Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhàn đàm về Việt Nam: Hội nhập và Phát triển
03 | 02 | 2009
Không gian tư duy và hoạt động của người Việt từ bao đời nay khép kín trong cộng đồng chật hẹp của làng xã. Giờ đây người Việt đã phải đứng trước những thách thức to lớn của hội nhập quốc tế mà từ những gánh nặng truyền thống, họ chưa được chuẩn bị tốt nhất, chưa thật sự chủ động và sẵn sàng cho một cuộc trường chinh như vậy!
Gánh nặng truyền thống

Tiêu đề của cuộc hội thảo Việt Nam học lần thứ 3 tại Hà Nội tháng 12/2008 được ghi trang trọng cả tiếng Việt: "Việt Nam: Hội nhập và Phát triển" và tiếng Anh: "Vietnam: Integration and Development". Xin không đi sâu vào một vài khác biệt quan trọng ở phạm trù "Hội nhập" tiếng Việt với "Integration" tiếng Anh, Mỹ mang tính hàn lâm mà các nhà ngôn ngữ học, triết học, kinh tế học, xã hội học, văn hóa học có thể cho nhiều ý kiến xác đáng và bổ ích.

Trước khi đi vào các vấn đề được đặt ra ở bài này, chúng ta có thể vui mừng nhận thấy công luận trong và ngoài nước ngày nay đều thừa nhận Việt Nam so với trước đây đã có những bước tiến khá dài trong thời kỳ đổi mới và mở cửa, và đều coi đây là một thành công to lớn và đáng tự hào của Việt Nam.

Tuy nhiên khi phải so sánh với các nước trong khu vực, theo báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng thế giới, với tốc độ phát triển hiện nay, Việt Nam cần 51 năm để đuổi kịp Indonesia, 95 năm để đuổi kịp Thái Lan, 158 năm để đuổi kịp Singapore. Những con số làm ngạc nhiên và thất vọng nhiều người trong chúng ta! Hy vọng có thể được an ủi đôi chút khi có thể tìm thấy được một phần nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này từ trong quá khứ, từ sự chưa sẵn sàng chủ động hội nhập và sự thiếu vắng một nếp tư duy phát triển trong tâm thức và truyền thống của người Việt và từ đó mới có thể đề ra được các đường hướng và biện pháp khắc phục.

Xét về lịch sử, không gian tư duy và hoạt động của người Việt từ bao đời nay khép kín trong cộng đồng chật hẹp của làng xã. Câu "phép vua thua lệ làng" từ lâu đã xác định tính tự trị, độc lập tương đối của các cộng đồng địa phương, thường thách thức tính hiệu lực, tính chính thống, tính toàn vẹn thể chế của một quốc gia.

Sự chưa sẵn sàng tự giác hội nhập của các cộng đồng làng xã trên bình diện quốc gia, chí ít hiện còn tồn đọng trong tâm thức của người Việt cũng có thể coi là gốc rễ lâu bền của những hiện tượng trên bảo dưới không nghe hiện nay.

Tính địa phương vị kỷ đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh thống nhất của một quốc gia. Giờ đây người Việt đã phải đứng trước những thách thức to lớn của hội nhập quốc tế mà từ những gánh nặng truyền thống dường như họ chưa được chuẩn bị một cách tốt nhất, chưa thật sự chủ động và sẵn sàng cho một cuộc trường chinh như vậy!

Người Việt đã không đủ khả năng phát triển vươn ra đại dương rộng lớn trước mặt để giao thương với thế giới bên ngoài.


Ở nhiều vùng đất Việt đâu đó vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa người bản xứ và người ngụ cư. Khi đọc tác phẩm: "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường ta bắt gặp ngay trong trang đầu mô tả về làng Giếng Chùa một nhận xét chua chát: "Thế mới biết ngay một làng nhỏ như cái mắt muỗi, người ta cũng không khuyến khích xuất dương, không thích mở cửa ra ngoài".

Dàn hòa tấu những chú gà gáy sáng?

Từ cái tâm thế biệt lập không hội nhập này, người Việt nhìn nhận các vấn đề tự nhiên cũng nặng về ganh đua hơn là hợp tác: "Con gà tức nhau tiếng gáy". Tại sao không quan niệm đây là dàn hòa tấu rất đỗi vô tư của các chú gà trong một buổi bình minh tươi sáng!

Rất cần những nghiên cứu nghiêm túc nhằm lý giải khoa học hiện tượng sống khép kín, tự cung tự cấp gần như triệt để của cộng đồng làng xã Việt xưa; chủ nghĩa độc tôn và bài ngoại trong quá khứ (Hiện tượng Nguyễn Trường Tộ thất bại với các bài điều trần về cải cách, chấn hưng kinh tế theo hình mẫu phương Tây tại triều đình nhà Nguyễn; Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn và cuộc xâm chiêm của Pháp v v….) với xu hướng sùng bái văn hóa ngọai thái quá, lối sông chạy theo vật chất và tâm lý thích tiêu dùng hàng nhập khẩu thiếu chọn lọc, có phần tự đánh mất mình của một bộ phận đông đảo người Việt ngày nay. Khó có thể hội nhập thành công với thế giới bên ngoài từ cả hai thái cực này!

Cho tới giữa thế kỷ thứ 20, Việt Nam tuy trải qua một lịch sử lâu dài hàng nghìn năm nhưng hầu như không phát triển được về kinh tế xã hội, luôn thuộc những nước nghèo và chậm phát triển trên thế giới.

Nhìn từ truyền thống, mục tiêu người đàn ông Việt trải qua bao đời đơn giản vẫn chỉ là: tậu trâu, lấy vợ, làm nhà". Đây là mục tiêu của sự tồn tại mang tính bản năng, thiếu vắng các tư duy phát triển, tư duy cải cách.

Hàng tiểu thủ công của người Việt trước thời kỳ hội nhập nghèo nàn về mẫu mã, nguyên liệu và rập khuôn về phương thức sản xuất, hầu như không thay đổi, không phát triển dù trải qua bao nhiêu đời truyền lại.

Không gian tư duy và hoạt động của người Việt từ bao đời nay khép kín trong cộng đồng chật hẹp của làng xã. Ảnh: Theo site của Nguyễn Nam Sơn


Tâm lý tích cốc phòng cơ, sống bữa nay lo bữa mai, liên tiếp bị thiên tai khiến cho người Việt phải sống dựa vào nhau, sống quần cư trong môi trường làng xã nghèo nàn về vật chất, hạn hẹp cả về tầm nhìn và tự do tư tưởng.

Trong quá khứ, người Việt vì thế đã không đủ khả năng phát triển vươn lên vùng rừng núi rộng lớn phía Bắc và Tây Bắc để lập trang trại và vươn ra đại dương rộng lớn trước mặt để giao thương với thế giới bên ngoài.

Hết thế hệ này sang thế hệ khác người Việt phải dồn phần lớn sức mình cho việc đắp đê chống lụt tại các đồng bằng miền Bắc và miền Trung Việt Nam, phần còn lại cho cuộc mưu sinh thông qua việc trồng lúa rất bấp bênh, năm được năm mất, cuộc sống luôn không ổn định.

Trong hoàn cảnh quy mô sản xuất quá nhỏ, độc canh cây lúa không ổn định được cuộc sống thì chỉ phát sinh được loại hình tư duy ứng phó và chụp giật trước mắt, không thể có dư địa cho những tư duy phát triển dài hạn, nhất là phát triển bền vững. Điều này cũng phù hợp với tổng kết của một Viện Nghiên cứu xã hội tại Mỹ về người Việt: "Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động".

Ứng phó và đối phó

Quan sát quá khứ và hiện tại, ta có thể thấy tình thần đối phó và chụp giật thể hiện rất đa dạng và sâu sắc ở khắp mọi nơi, từ đô thị tới nông thôn, từ vi mô tới vĩ mô. Người Việt cũng đã quen hành sử, ứng phó theo tinh thần: "Nước đến chân mới nhảy"!

Người Việt quả có biệt tài ứng phó, có năng lực giải quyết các tình huống một cách rất thành công. Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy Việt Nam đã không thể phát triển được trong dài hạn nếu chỉ bằng tư duy ứng phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.

Những mầm mống tư duy phát triển bền vững và hệ thống hình như đang mới bắt đầu bén rễ một cách chậm rãi trên đất nước này. Thiếu tư duy phát triển bền vững có hệ thống và logic, Việt Nam như môt hệ máy tính muốn nối mạng nội bộ và với thế giới bên ngoài nhưng chưa có được ngôn ngữ và phần mềm tương thích, cập nhật được trình độ công nghệ thời đại! Đây quả là một trong những giới hạn khó vượt qua nhất cản bước người Việt trên con đường hội nhập và phát triển.

Người Việt cần có sự chuẩn bị tốt hơn nữa về tâm thức, nhận thức, sự tự tin và các chuẩn mực về lòng tự trọng của con người và cộng đồng.


Để có thể hội nhập với thế giới và phát triển đất nước thành công đòi hỏi người Việt có một sự chuẩn bị tốt hơn nữa về tâm thức, nhận thức, sự tự tin và các chuẩn mực về lòng tự trọng của con người và cộng đồng.

Trong điều kiện toàn cầu hóa và "thế giới phẳng" (hoặc chưa phẳng!), người Việt đã có điều kiện tốt hơn rất nhiều so với trước đây để có thể đổi mới chính bản thân mình, trang bị cho mình các nhận thức và kỹ năng cần thiết phù hợp với công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. Điều quan trọng là ta cần ý thức được những trở lực đang nằm trong chính chúng ta và mỗi chúng ta phải học cách vượt qua chính bản thân mình.

Hội thảo Việt Nam học và Việt Nam hội nhập - phát triển

Rất mừng là cuộc hội thảo quốc tế quy mô lớn về Việt Nam học lần 3 tại Hà Nội tháng 12/2008 đã đề cập đến các phạm trù "Hội nhập và Phát triển" trong mối tương quan trực diện đến Việt Nam và người Việt.

Tuy nhiên trong hội thảo Việt Nam học lần thứ 3, người Việt và Việt Nam với tư cách là chủ thể của hội nhập và phát triển chưa được đặt ra một cách rõ ràng. Chưa tổng kết được những thuận lợi và khó khăn của người Việt trên con đường hội nhập và phát triển. Việt Nam học nghiên cứu những vấn đề phức hợp đòi hỏi phải có một phương pháp tiếp cận khoa học liên ngành.

Như một nhận xét về cuộc hội thảo trên báo chí nước ngoài cho biết: "…Nhưng chủ trương liên ngành lại không thấy thể hiện qua cơ cấu tổ chức, vì các tiểu ban vẫn chia theo phân ngành truyền thống như lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, pháp luật, ngôn ngữ, văn chương…

Những mầm mống tư duy phát triển bền vững và hệ thống hình như đang mới bắt đầu bén rễ một cách chậm rãi trên đất nước này.

Vậy thì làm sao sử gia Việt Nam học có cơ hội lắng nghe và tranh luận với kinh tế gia Việt Nam học - có cùng điểm chung là nghiên cứu Việt Nam, nhưng lại khác hoàn toàn về phương pháp và chuyên môn - để tạo ra các sản phẩm khoa học theo tiêu chí "liên ngành"?

Nếu đúng như thế, học giả các chuyên ngành khác nhau trong nghiên cứu Việt Nam học cũng cần ngay một một quá trình "integration" (tiếng Việt hiện dùng là: hội nhập) để có thể hoàn thành được các trọng trách của mình vậy!

Hy vọng bằng phương pháp luận khoa học liên ngành, các học giả Việt nam học sau cuộc hội thảo này sẽ có thể tập trung làm rõ nhiều vấn đề của Việt Nam, của người Việt, để hai phạm trù "Hội nhập và Phát triển" thực sự gần gũi với người Việt ở nhiều khía cạnh.

Trên cơ sở đó, Việt Nam học có thể góp phần chỉ ra cho Việt Nam và người Việt phương thức hội nhập và phát triên có hiệu quả và thành công, phù hợp với điều kiện toàn cầu hóa, tương thích được với hoàn cảnh lịch sử và con người trên dải đất hình chữ S này, đúng như chủ đề trang trọng của hội thảo Việt Nam học lần thứ 3.



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường