Mật độ rầy phổ biến dưới 2.000 con/m2. Cá biệt, trên các trà lúa đang trổ, mật độ rầy cao hơn (3.000 con/ m2). Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cũng gây thiệt hại hàng trăm ha.
Thời điểm trước và trong Tết Kỷ Sửu xuất hiện nhiều sương mù đã tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát triển, gây hại 60.000ha lúa, tăng 17.000ha so với tuần trước. Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nhiễm sâu bệnh nhiều là Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp.
Tuy rầy nâu chưa bùng phát thành dịch như hồi cuối năm 2007, nhưng Cục Bảo vệ thực vật nhắc các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh lùn và lùn xoắn lá các cấp, tăng cường công tác điều tra, giám sát đồng ruộng và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng” để phòng trừ rầy nâu đạt kết quả tốt.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân không bón thừa phân đạm, tăng lượng phân kali ở lần thúc cây lúa sau khi sạ 40 - 45 ngày để lá lúa không phát triển quá dày, cây lúa không đổ ngã nhiều hơn, sẽ góp phần làm diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn không tăng thêm.
Đến nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất gieo sạ trên 1,5 triệu ha lúa đông xuân năm 2008 – 2009, phần lớn đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và khoảng 400.000ha đang trổ chín.