Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Ông mai” cho cây trái đồng bằng đi Tây
04 | 02 | 2009
Họ không phải là doanh nhân, cũng không phải là chuyên gia về cây ăn trái, nhưng vì không chịu nổi cảnh trái cây đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long cứ “thua trên sân nhà” nên đã tìm cách “mai mối”, đưa trái cây ra nước ngoài tìm thị trường xuất khẩu.

Hơn hai năm làm “mai mối” không công, họ đã giúp nhiều loại trái cây có chỗ đứng vững chắc ở những thị trường khó tính như Nga, Đức, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu. Họ là những cán bộ, công chức Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch Tiền Giang.

Ăn cơm nhà, lo chuyện... trái cây

Hết giờ làm việc buổi sáng, anh Lê Quang Ninh - trưởng phòng xúc tiến đầu tư - và năm anh chị em khác phóng xe máy trực chỉ về hướng HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cách nơi làm việc gần 20km để chuẩn bị mấy chục thùng trái cây đưa sang Hàn Quốc chào hàng. “Vì sáng mai có chuyến bay sang Hàn Quốc, nên bằng mọi giá trong chiều tối nay phải đóng thùng xong số trái cây này để chuyển lên TP.HCM trễ nhất là 5g sáng” - anh Ninh nói. Công việc gấp rút, mọi người chỉ ăn ổ bánh mì mua vội trên đường.

Nhà kho của HTX giữa trưa nóng hầm hập, ngột ngạt. Chuyến “làm mai” sang Hàn Quốc lần này anh Ninh thu mua tám loại trái cây đặc sản của Tiền Giang và ĐBSCL gồm: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, thanh long Chợ Gạo, nhãn tiêu da bò, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi da xanh và bưởi Năm Roi.

Anh Lê Quang Ninh (bìa trái) và các cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch Tiền Giang chọn trái cây đóng gói xuất khẩu sang Hàn Quốc - Ảnh: V.TR.
Hàn Quốc được xem là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Từ trước đến nay thị trường này chỉ mới chấp nhận một loại trái cây duy nhất là trái chôm chôm tươi của Tiền Giang. “Lý do chúng tôi chọn tám loại trái cây này để chào hàng là do hiện đã có nhiều loại đang canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP và đã được thị trường Nga, Nhật... chấp nhận rồi. Nay đưa sang Hàn Quốc, tin chắc sẽ trụ được ít nhất 50%. Thêm thị trường cũng là thêm cơ hội cho nông dân làm giàu với vườn cây của mình” - anh Ninh giãi bày.

Ngay khi đến nơi, các cán bộ trung tâm bắt tay ngay vào công việc như đã lập trình sẵn. Người lo tuyển chọn những trái đẹp nhất để đóng gói, người mang đi rửa và xử lý ozon, người bao trái, người đóng thùng và dán nhãn. 18g, toàn bộ trái cây đã đóng thùng xong và chuyển lên ôtô trực chỉ sân bay Tân Sơn Nhất ngay trong đêm. Theo anh Ninh, số trái cây chào hàng lần này sẽ do Công ty Hồ Trần ở TP.HCM hỗ trợ vận chuyển và tiếp thị.

Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch Tiền Giang nhận được tin vui từ Hàn Quốc: khách hàng rất thích vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp và đặt hàng mua số lượng lớn. Và trước khi nghỉ tết, các cán bộ trung tâm lại phóng xe xuống vườn thanh long Chợ Gạo lựa từng trái để đóng gói (được 330kg) gửi sang giới thiệu tại hội chợ “Tuần lễ xanh” quốc tế ở Đức. Anh Ninh cho biết thêm: “Vì năm 2008 gạo xuất khẩu èo uột quá nên sẵn dịp này chúng tôi gửi thêm sản phẩm gạo đặc sản Tiền Giang để nhờ một doanh nghiệp người Việt tại Đức giới thiệu với khách hàng. Hi vọng sẽ có thêm hợp đồng xuất sang châu Âu trong năm 2009”.

Gõ cửa châu Âu

Xuất khẩu được thì nhà vườn gia tăng sản xuất. Trong ảnh: một vườn thanh long ở Tiền Giang - Ảnh: N.C.T.
Theo anh Phan Quốc Nam, các cán bộ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch Tiền Giang bắt đầu công việc làm “mai mối” cho trái cây đồng bằng từ đầu năm 2006. Thay vì chọn thị trường dễ tính ở châu Á thì họ quyết định “khai phá” thị trường Nga. Lý do, theo anh Nam, nếu thành công được ở Nga thì việc mở rộng sang các nước khác ở châu Âu sẽ rất dễ dàng.

Tuy nhiên các cán bộ của trung tâm không thể tự mang trái cây sang Nga để tiếp thị, quảng bá được mà phải nhờ Hoàng Trọng Thắng (một du học sinh ở Nga) giúp đỡ. Trong một lần gặp gỡ tại Hà Nội, anh Nam phát hiện Thắng rất tâm huyết với việc chào bán nông sản VN sang Nga, đặc biệt là xoài cát chu Tiền Giang.

Nỗi niềm lớn gặp nhau, người thân trong gia đình Thắng thành lập Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư xoài VN tại Hà Nội. Còn Thắng lập Công ty Ewas Group tại Matxcơva để phân phối nông sản chuyển từ VN sang. Do không rành về trái cây nên Thắng đề nghị anh Nam hỗ trợ từ A-Z: thu mua, đóng gói gửi sang Nga bằng đường hàng không để Thắng quảng bá, phân phối. Mặc dù biết làm việc này sẽ rất vất vả nhưng anh Nam, anh Ninh vui vẻ gật đầu đồng ý đề nghị của Thắng. Trung tâm còn hỗ trợ Công ty Xoài mở chi nhánh tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) để tiện giao dịch, thu mua xuất khẩu.

Nhờ những “ông bà mai” như vậy, trái cây ĐBSCL đã có đường ra nước ngoài. Trong ảnh: chọn lựa thanh long xuất khẩu ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: N.C.T.
Trái xuất khẩu, trái ra chợ

Anh Phạm Minh Tuấn - một người chuyên chọn trái cây xuất khẩu của trung tâm - cho biết: “Xoài có đặc điểm là mỏng vỏ, dễ giập trong quá trình vận chuyển, nên phải mất vài chuyến anh em chúng tôi thử nghiệm bằng cách mua xoài có độ chín khác nhau rồi lưu giữ trong tủ lạnh ở nhiều nhiệt độ khác nhau. Vài lần như vậy mới biết nên chọn xoài chín ở độ nào để khi tới Nga tỉ lệ giập không quá 30% là đạt yêu cầu”. Thông thường 10kg xoài mua tại vườn chỉ chọn được 5-6kg đóng thùng xuất sang Nga, nên các chị ở trung tâm phải đem số còn lại ra chợ bán lại.

Chuyến bay đưa lô xoài cát chu đầu tiên vào thị trường Nga là tháng 9-2006. Theo đề nghị của Thắng, mỗi tuần trung tâm phải đóng gói 600-700kg xoài gửi sang Nga. Để thu gom đủ số xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chiều thứ sáu hằng tuần các cán bộ, công chức trung tâm phải đi xe buýt hoặc xe máy về Cái Bè (cách nơi làm việc khoảng 50km), vô vườn mua từng trái xoài đem về TP Mỹ Tho xử lý, đóng gói. Văn phòng trung tâm trong hai ngày cuối tuần bỗng dưng biến thành nhà kho chứa xoài.

Sau khi thành công với trái xoài, anh Nam bàn với Thắng tiếp tục đưa thêm các loại trái cây khác sang Nga chào hàng. Sau xoài, trái thanh long Chợ Gạo “cưỡi” máy bay vào Nga. Rồi sau đó tới lượt vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nhãn tiêu, đu đủ... Nhiều lúc khan hiếm hàng, thu mua khó khăn nên cả trung tâm dắt nhau lên Cái Bè chia nhau tới vườn mua rồi chở về điểm tập kết đóng gói.

“Một lần đóng quân tại xã Mỹ Lương làm ròng rã đến 2g sáng mới xong. Không còn nhiều thời gian, các anh chị em chúng tôi kêu ghe chuyển hàng ra quốc lộ đưa lên ôtô chở thẳng ra sân bay. Đêm đó mọi người thức trắng. Cực vậy mà ai cũng vui vì sau một thời gian nhiều loại trái cây đặc sản của đồng bằng đã có chỗ đứng ở Nga và một số nước châu Âu” - anh Nam tâm sự.

Ngoài việc tự giới thiệu trái cây ra nước ngoài, hơn một năm qua trung tâm còn giúp ông Lâm Mac - Việt kiều Mỹ - thành lập Công ty MT và xây dựng nhà xưởng tại TP Mỹ Tho để chế biến nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trung bình mỗi tuần công ty này thu mua khoảng 100 tấn nông sản các loại. Tất cả nông sản trồng ở ĐBSCL đều được xuất khẩu sang Mỹ, từ măng cụt, xoài, bưởi cho đến sả, ớt, bắp, khoai, chuối... Trái chôm chôm Tiền Giang mà Công ty MT xuất sang Hàn Quốc thời gian qua cũng nhờ trung tâm này mai mối.

Anh Nam cho biết tới đây UBND tỉnh Tiền Giang sẽ chia tách trung tâm này, các cán bộ từng tham gia quảng bá, giới thiệu trái cây ra nước ngoài sẽ được điều động sang một số cơ quan khác. “Chúng tôi nói với nhau là dù làm ở đâu cũng dành thời gian ngoài giờ cho trái cây đồng bằng. Riêng cá nhân tôi sẽ bàn với anh em trong gia đình mở công ty chuyên xuất khẩu trái cây vào các thị trường mà mình đã khai phá” - anh tâm sự.

Ý tưởng gặp tấm lòng

Anh Phan Quốc Nam, giám đốc trung tâm, nói hầu hết cán bộ, công chức của cơ quan đều xuất thân từ nông thôn, nên ai cũng thấu hiểu nỗi cơ cực của người trồng cây ăn trái. Vài năm trước trái cây xuất ngoại rất ít. Đến mùa thu hoạch trái cây dội chợ, giá rẻ như cho vì không cạnh tranh nổi trái cây Thái Lan, Trung Quốc tràn ngập. Thua lỗ kéo dài, hàng ngàn nông dân đốn bỏ vườn cây ăn trái để trồng lúa hoặc đào ao nuôi cá. Nhưng loay hoay mãi họ cũng không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn nghèo khó.

“Tôi tự hỏi tại sao không nhân cơ hội làm công tác xúc tiến đầu tư mình làm việc gì đó để đưa trái cây quê nhà ra nước ngoài, vì chỉ có xuất khẩu mới nâng cao được giá trị trái cây!”. Nam đem ý tưởng này bàn với anh chị em trong cơ quan, mọi người tán thành 100%; đồng thời biểu quyết tình nguyện làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật, thậm chí ngoài giờ hành chính để giúp nông dân. Tất nhiên mọi người đều tình nguyện làm miễn phí chứ không tính tiền ngoài giờ hoặc chế độ gì.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường