Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp hội nhập WTO: Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức
15 | 09 | 2007
Ở Việt Nam, nông nghiệp đang là nguồn sinh kế chính của hơn 60% dân số cả nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 2/3 hộ gia đình làm nông nghiệp trong đó có 44% số hộ thuộc diện khó khăn và có nguy cơ tiềm ẩn tái nghèo.

Ở Việt Nam, nông nghiệp đang là nguồn sinh kế chính của hơn 60% dân số cả nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 2/3 hộ gia đình làm nông nghiệp trong đó có 44% số hộ thuộc diện khó khăn và có nguy cơ tiềm ẩn tái nghèo.

Với vị trí quan trọng như vậy nông nghiệp là chìa khoá của sự ổn định và phát triển đối với người dân. Trong bối cảnh hội nhập WTO, nông nghiệp nước ta có thể có thêm nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có không ít những tác động ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực cho người nông dân, đặc biệt là người nông dân nghèo.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, những lợi ích tiềm năng bao gồm như mở rộng thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu truyền thống nông nghiệp và thuỷ sản, đồng thời chúng ta có cơ hội tiếp cận cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO giúp tránh được những vụ kiện vô lý như là cá ba sa giữa Việt Nam và Mỹ.

Khi là thành viên của WTO, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài đồng thời cũng có tiếng nói cùng với 149 nước khác khi WTO thảo luận các quy chế mới của WTO. Tuy nhiên, thách thức đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là đối với xoá đói giảm nghèo là rất lớn.

Cắt giảm trợ cấp xuất khẩu và thuế quan

Việt Nam là một nước 69% lực lượng lao động vẫn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 45% dân số sống tại nông thôn sống dưới mức nghèo. Những thách thức lớn như là mức độ cạnh tranh thấp, hay phải đương đầu với trợ cấp xuất khẩu của các nước giàu, năng lực của Việt Nam thực thi các điều khoản cam kết, việc cắt giảm thuế quan và các trợ cấp nông nghiệp, việc Việt Nam không được tiếp cận đối với cơ chế tự vệ đặc biệt cho các sản phẩm chăn nuôi...

Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo. Thế nhưng khả năng chuyển từ sản xuất thô lên chế biến của các doanh nghiệp nội địa có thương hiệu riêng, tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm đang là một quá trình chậm chạp, khó khăn.

Theo chuyên gia WTO của tổ chức Oxfam, Lê Kim Dung, Việt Nam đã cam kết cắt giảm trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp ngay sau khi hội nhập, trong đó có 5 năm quá độ cho việc cắt giảm trợ cấp xuất khẩu dưới dạng khuyến khích đầu tư, đồng thời Việt Nam sẽ phải cắt giảm mức thuế quan đối với các mặt hàng nông nghiệp.

Hiện tại, mức thuế quan bình quân trong nông nghiệp của Việt Nam là 27%. Rất nhiều khả năng mức thuế này sẽ bị cắt giảm xuống khoảng 15%. Bên cạnh đó, nguy cơ Việt Nam sẽ tiếp tục phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá là hoàn toàn có thực, nhất là khi Việt Nam vẫn đang bị coi là nền kinh tế phi thị trường (kéo dài 12 năm đối với Mỹ). Đây là một điểm bất lợi đối với Việt Nam khi phải đương đầu với các vụ kiện này vì các nước sẽ được áp dụng những phương pháp tính toán linh hoạt hơn.

Cạnh tranh trong ngành chăn nuôi

Không chỉ nông sản mà cả ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại khi gia nhập WTO. Một trong những thách thức đó là mức độ cạnh tranh trong ngành chăn nuôi hiện tại rất là thấp, cụ thể như là năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm chăn nuôi thị trường nội địa đều có mức cạnh tranh thấp hơn so với cạnh tranh quốc tế.

Thách thức thứ hai là các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ phải đối mặt là trợ cấp của các nước giàu. Ví dụ một con bò của EU được hưởng trợ cấp một ngày là 2,62 USD, nhiều hơn thu nhập của người nông dân nghèo Việt Nam. Đây là một ví dụ để thấy trình độ phát triển chênh lệch quá lớn.

Ngoài ra đối với những nước không còn dùng trợ cấp chăn nuôi như Australia, hoặc New Zealand thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đương đầu với hệ thống sản xuất rất hiện đại và hiệu quả. Một thách thức khác là Việt Nam sẽ không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt để chống lại những đột biến về nhập khẩu cho những mặt hàng chăn nuôi (thịt lợn, thịt bò).

Như vậy, trong trường hợp khi Việt Nam mở cửa thị trường một cách mạnh mẽ thì việc tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu sẽ có tiềm năng tác động đến giá của các mặt hàng trong nước. Trong khi đó, trình độ sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam còn quá thấp, đặc biệt là của nhóm người nghèo thì họ phải cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành nông nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút được tỷ lệ lợi nhuận thì cần phải giải quyết hai bài toán trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là lao động và phát triển những vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Giải quyết vấn đề này bản thân một mình nông nghiệp không làm được, mà đòi hỏi cả khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển để hút lao động ra, tạo thuận lợi cho tích tụ đất đai, sản xuất hàng hoá.

Đầu tư vốn, phát triển khoa học công nghệ

Theo ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc Tổ chức ActionAid Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc là họ xây dựng các xí nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường sức cạnh tranh cho họ. Chính phủ phải đầu tư cả tiền vốn và kỹ thuật. Điều này không thể làm trong thời gian ngắn mà phải có kế hoạch trung hạn.

Trung Quốc và Thái Lan đã tiến hành cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp kém hiệu quả. Đối với những vùng nông thôn ở xa, chính phủ các nước này tiến hành quy hoạch lại các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam nên chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa thay vì sản xuất nhỏ lẻ.

Ông Phạm Quang Diệu, Viện chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng kế hoạch hành động 5 năm 2006-2010 với những chương trình cụ thể về hướng đầu tư và nguồn vốn đầu tư về các hướng tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển khoa học công nghệ và đầu tư vào nông thôn tạo việc làm và hỗ trợ cho các vùng xa xôi và người nghèo, cải thiện môi trường đầu tư nông thôn, trợ giúp cho các doanh nghiệp nông thôn và các làng nghề.

Gia nhập WTO là một quá trình tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp với không ít thuận lợi và khó khăn. Đã có nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được xây dựng nhưng vấn đề là nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách, giải pháp trợ giúp cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường năng lực sản xuất, cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các nền kinh tế khác.

Khi đứng vững trên sân chơi WTO thì kinh tế nông nghiệp sẽ tiếp tục trở thành động lực chính thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Ví dụ sinh động từ Trung Quốc cho thấy, trái ngược với dự báo của các chuyên gia kinh tế về một sự suy sụp trong ngành nông nghiệp nước này khi gia nhập WTO, một số ngành nông sản tăng vọt xuất khẩu, đe doạ cả nông sản Hoa Kỳ. Hiện Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường đầu tư mạnh vào nông nghiệp về cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật, bãi bỏ thuế và giảm phí nhằm tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong WTO.

Thời báo kinh tế Việt Nam


Báo cáo phân tích thị trường