Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tôm sú giảm do giá cao
10 | 02 | 2009
Tôm sú đang mất dần thị phần do giá thành cao so với tôm thẻ chân trắng, nhiều nhà máy chế biến tôm đã phải giảm 30-50% công suất.

Tôm sú mất thị phần do giá cao:

Trong năm 2008, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam có 2 đợt bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái: tháng 2 và tháng 12. Theo thống kê của Hải quan, trong 20 ngày đầu tháng 12/2008, xuất khẩu tôm của cả nước chỉ đạt 8.802 tấn, trị giá 73,377 triệu USD, tăng 0,7% về lượng nhưng giảm 3% về giá trị so với cùng kỳ.

Mặc dù tổng xuất khẩu tôm từ đầu năm đến ngày 20/12 vẫn tăng 20% về lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 186 nghìn tấn, trị giá trên 1,58 tỷ USD, nhưng sự sụt giảm trong tháng 12 là dấu hiệu của sự ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với ngành tôm cả nước, bên cạnh những khó khăn về nguồn nguyên liệu và vốn của các DN.
Ước tính xuất khẩu tôm trong cả tháng 12/2008 đạt khoảng 110 triệu USD, giảm khoảng 17% so với 132,7 triệu USD của tháng 12/2007. Xuất khẩu tôm cả năm 2008 ước đạt 1,617 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với năm 2007.

So với năm trước, xuất khẩu tôm năm nay vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, xét trong một quá trình từ năm 2000 đến nay thì tốc độ tăng trưởng này đang có chiều hướng đi xuống.

20 ngày đầu tháng 12, xuất khẩu tôm sang Nhật - thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam lớn nhất - giảm mạnh gần 21% về cả lượng và giá trị, Xuất khẩu sang các thị trường chính khác như Canađa, Đài Loan và các nước ASEAN cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc và Trung Quốc vẫn tăng.

Dự báo năm 2009, xuất khẩu tôm sẽ không có tín hiệu khả quan do nhu cầu của đa số các thị trường chính giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đồng USD rớt giá, các doanh nghiệp tôm hiện chỉ dám hoạt động cầm chừng, lượng tồn kho lớn trong khi vốn không đảm bảo.

Hiện nay, con tôm sú đang bị tôm thẻ chân trắng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, do tôm thẻ chân trắng dễ nuôi và có năng suất cao gấp hai lần so với tôm sú, nên giá thành sản xuất hạ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế con tôm sú, mặc dù có chất lượng ngon, nhưng giá bán cao nên việc tiêu thụ trở nên khó khăn, dần mất thị phần.

40% hộ nuôi tôm bị lỗ:
Một số doanh nghiệp lớn như Minh Phú Seafood Corp, Quốc Việt Co Ltd vẫn duy trì được tốc độ xuất khẩu tôm cao với kim ngạch tương ứng 156,8 triệu USD và 83,9 triệu USD từ đầu năm đến ngày 20/12, nhờ vẫn giữ được những khách hàng lớn.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy chế biến đã phải giảm 30 - 50% công suất, một số doanh nghiệp đã hoặc sẽ có kế hoạch chuyển hướng tôm đông lạnh sang các mặt hàng khác để duy trì hoạt động.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh trong thời gian qua, đưa người nuôi vào tình trạng nan giải, trong khi các ngân hàng hạn chế cho vay do nuôi tôm gặp nhiều rủi ro.

Theo kết quả điều tra của ngành thủy sản, vụ tôm năm 2008, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có 40% số hộ nuôi có lãi, và 40% số hộ nuôi tôm bị lỗ vốn. Nhiều hộ nuôi tôm đã phải treo hồ, bỏ nuôi, vì vậy sản lượng tôm nguyên liệu cho năm 2009 sẽ giảm, có thể không đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Giá tôm nguyên liệu trong tuần tính đến ngày 7/1/2009 ổn định so với tuần trước đó. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm giảm mạnh từ 17-23%.

Giá tôm sú nuôi cỡ 30con/kg tại Cà Mau đạt 80.000 đ/kg, giảm 23% so với đầu năm 2008, tôm cỡ 20 con/kg đạt 127,000 đ/kg, giảm 20%; tại Sóc Trăng, tôm cỡ 30 con/kg đang có giá 78.000đ/kg, giảm 17% so với 95.000 cùng thời điểm năm ngoái, tôm cỡ 20con giá 11.000đ, giảm 17% so với 134.000 đồng cách đây 1 năm. Mức giá này đang được coi là mức thấp nhất trong 10 năm qua, do nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.




Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường