Theo đó, đối với sữa và kem chưa cô đặc, chưa pha thêm đường hoặc các chất ngọt khác, mức thuế đề nghị là 18 phần trăm, thay mức năm phần trăm đang áp dụng.
Với sữa và kem cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất ngọt khác, mức thuế đề nghị từ 10 – 34 phần trăm, thay cho mức cũ 3- 7 phần trăm.
Mức thuế suất đề nghị tương đương với thuế suất Việt Nam cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao, việc đề nghị nâng mức thuế nhập khẩu sữa nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước sau tác động của melamine, đồng thời tuân thủ theo đúng cam kết với WTO.
“Lượng sữa tiêu thụ giảm và giá sữa nguyên liệu (sữa bột) trên thế giới giảm. Giờ là lúc cần đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong nước”, ông Giao cho biết.
Giá sữa trên thế giới hiện giảm mạnh do mức tiêu thụ giảm vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Ông Phạm Tuyên, Trưởng ban Phát triển Vùng Nguyên liệu Khu vực Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, nói: “Cứ cho giá sữa bột trên thế giới là 2.000 USD/tấn (hiện của Úc chỉ còn 1.600USD/tấn), chi phí cho một lít sữa là 4.200 đồng. Giá sữa tươi Vinamilk nhập về tại vùng nguyên liệu hiện là 7.750 đồng/lít, chưa tính đến chi phí nhân công và vận tải về nhà máy”.
“Với mức chênh lệch giá hiện nay, cho dù thuế nhập khẩu sữa có tăng từ 3 – 7 phần trăm lên 9 – 10 phần trăm, giá sữa trong nước cũng không thể thấp bằng nước ngoài”.