Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quyết định của UBND TP Hà Nội về kinh doanh, chế biến gia súc, gia cầm:Đã có lộ trình cụ thể
10 | 02 | 2009
Sau khi Quyết định số 51/2009/QĐUB của UBND thành phố Hà Nội - "Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội" có hiệu lực từ ngày 2-2-2009, đã có nhiều ý kiến phản hồi từ các tầng lớp nhân dân, hộ kinh doanh và cơ quan chức năng.

Phóng viên báo Hànộimới đã làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng và Giám đốc Sở Công thương Lưu Tiến Long để tìm hiểu thêm về chủ trương cũng như lộ trình và các biện pháp thực hiện quyết định này.

Trên 300 chợ - bỏ lọt kiểm soát

Lâu nay người dân Hà Nội đều "khuất mắt trông coi" việc giết mổ gia súc, gia cầm. Lợn, gà giết mổ dùng nước ao tù rồi vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ không bảo quản che đậy chạy lông nhông trên phố gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, có hại cho người tiêu dùng. Ghi nhận của PV Hànộimới trong 2 ngày mồng 8 và 9-2 cho thấy: Việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm sống diễn ra ở tất cả các chợ trên địa bàn thành phố. Những bu gà đầy ắp vẫn được chuyên chở bằng xe máy lưu thông trên các trục đường quốc lộ, mùi hôi thối của gia cầm, gia súc phả ra xung quanh. Với một bếp ga du lịch, một ít nước đựng trong can nhựa, chỉ cần "thượng đế" có nhu cầu là ngay lập tức, gà, vịt được giết mổ tự do ngay bên lề đường. Tại nhiều chợ cóc và cả các chợ lớn, gia cầm bán tràn lan, không ít các trường hợp đã xảy ra cãi cọ, xô xát và có những lời nói nhục mạ cán bộ thú y khi đi kiểm tra việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các chợ. Theo ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: Hiện nay, trên địa bàn thành phố mới có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với công nghệ hiện đại, công suất giết mổ từ 400-7.000 con/ngày. Các nhà máy giết mổ trên hoạt động cầm chừng do chi phí giết mổ cao, trong khi thành phố Hà Nội có 385 chợ lớn nhỏ, trong đó có hơn 300 chợ loại III đang ở trong tình trạng tạm bợ, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống cấp thoát nước, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đó còn chưa kể sự tồn tại của hơn 30 chợ tạm, cóc, họp thường xuyên hoặc theo giờ với hàng vạn người bán hàng rong trên các vỉa hè. Các hoạt động giết, mổ gia cầm chủ yếu là ở các chợ, gây mất vệ sinh, vì vậy chấn chỉnh tình trạng trên là việc làm cần thiết.

Một chủ trương đúng

Ông Vũ Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín cho biết: Đây không phải là một chủ trương mới. Trước đây thành phố Hà Nội (cũ) cũng đã có quyết định về cấm giết mổ gia cầm, gia súc tại nội thành nhưng chưa thực hiện triệt để. Đặc biệt, trong những ngày lễ, tết tình trạng giết mổ gia cầm vẫn diễn ra ngang nhiên trên tất cả các tuyến đường nội thành và ngoại thành và tại các chợ không chỉ gây mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong khu vực. Trong bối cảnh đó, QĐ số 51 được ban hành thay thế QĐ 98 nhằm thắt chặt việc quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố là một chủ trương đúng, vì vậy thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện. Theo quy định tại QĐ này, hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố phải thực hiện bằng các phương tiện chuyên dụng theo tiêu chuẩn, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, tiêu độc, khử trùng, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y, đặc biệt là cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp và nghiêm cấm việc buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm trên vỉa hè, lòng đường... Bên cạnh đó là các quy định về mặt bằng, quầy hàng bán gia súc, gia cầm... để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, sau một thời gian ban hành quyết định, việc thực hiện các quy định trên chưa đạt yêu cầu là do thành phố chưa xây dựng được lộ trình cụ thể nên chưa xóa bỏ được thói quen của người tiêu dùng, tiểu thương kinh doanh... và chưa tập hợp được sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Để quyết định đi vào cuộc sống

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP đưa ra 5 vấn đề cần quyết liệt thực hiện để đưa QĐ 51 đi vào cuộc sống đó là: Tăng cường tuyên truyền sâu rộng tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân từ khâu tiêu thụ đến giết mổ gia súc, gia cầm. Từ đó giúp người dân nhận thức được: Chấp hành nghiêm các quy định trên là bảo đảm sức khỏe cho chính người tiêu dùng và bảo đảm mỹ quan cho thành phố. Để việc giết mổ gia súc, gia cầm sớm đi vào nền nếp, UBND thành phố sẽ sớm quy hoạch và xây dựng kế hoạch xã hội hóa đầu tư nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh. Trước mắt là quy hoạch đưa hệ thống lò mổ khu vực nội thành ra ngoại thành như Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa… Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển gia súc, gia cầm vào nội thành, UBND thành phố đã giao cho Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Sở Công thương quy định cụ thể kích cỡ của xe chuyên dùng trong việc vận chuyển khối lượng lớn gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn giao thông khi đi trên đường. Các phương tiện xe máy có thể vận chuyển gia súc, gia cầm vào nội thành nhưng phải chấp hành triệt để việc xả thịt, đóng thùng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn giao thông khi đi trên đường. Sở Công thuơng cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng điều kiện giết mổ, kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm để nhân dân và hộ kinh doanh biết và thực hiện. Bắt đầu từ tháng 3-2009, thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện QĐ này và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và Luật Giao thông đường bộ. Đây là việc làm cần thiết và cần có thời gian để làm thay đổi thói quen của người dân.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường