Chiều 18/2/2009, Thường trực Chính phủ đã làm việc với một số Bộ, ngành về tình hình thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư; chính sách hỗ trợ đối với lao động mất việc làm, đào tạo nghề cho lao động…
Tại buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước 2009 là 112,8 nghìn tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu kích cầu đầu tư năm 2009, Chính phủ dự kiến xin ý kiến Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 11,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để thực hiện một số mục tiêu quan trọng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số lao động mất việc làm trong năm vừa rồi là 60 ngàn người. Dự kiến, đến tháng 6 năm nay có khoảng 300 ngàn lao động trong nước mất việc làm. Trong khi đó, số lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước sớm thời hạn có thể lên đến 10 ngàn người.
Thường trực Chính phủ nhất trí cho rằng, giải pháp ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp, duy trì sản xuất, tìm thị trường cho hàng hoá để từ đó duy trì việc làm cho người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp bước đầu đã nhận được sự đồng tình và đây là biện pháp thiết thực. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích sản xuất phải thận trọng.
Hỗ trợ lãi suất không đồng nghĩa với hạ chuẩn cho vay vì vay để đầu tư kém hiệu quả sẽ đưa nền kinh tế vào vòng luẩn quẩn, tuy nhiên cũng cần phải mở rộng những đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Các bộ, ngành, địa phương phải đôn đốc, thực hiện nhanh các dự án đã được phân bổ ngân sách, đặc biệt là lĩnh vực giao thông và nông nghiệp, bởi chưa khi nào nguồn vốn cho xây dựng cơ bản lại nhiều như hiện nay. Đẩy nhanh được việc giải ngân các dự án này sẽ tạo ra được việc làm và đẩy nhanh việc tiêu thụ được xi măng, sắt thép và các vật liệu xây dựng.
Các công trình sử dụng vốn ngân sách trong nước phải dùng sản phẩm và vật liệu trong nước vì Việt Nam không có cam kết về mua sắm Chính phủ. Những dự án giao thông nông thôn có tổng vốn lên đến 4.000 tỉ đồng phải sử dụng xi măng trong nước thay vì nhựa đường.
Để hỗ trợ xuất khẩu, Thủ tướng cũng nhất trí tăng ngân sách cho công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa để duy trì việc làm cho công nhân, đặc biệt là ở những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động; không thu phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm (CO) cho hàng xuất khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thủ tướng giao bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thống kê đầy đủ những người mất việc làm để Chính phủ có thể đưa ra những biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Trước mắt Chính phủ sẽ cho doanh nghiệp khó khăn vay vốn ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp thất nghiệp cho công nhân.
Bổ sung vốn cho các chương trình quốc gia về việc làm, để cho những người mất việc làm vay vốn học nghề hoặc tìm việc làm mới, cho vay ưu đãi với những người mất việc phải về quê, những người đi xuất khẩu lao động và cấp phiếu đào tạo nghề miễn phí cho bộ đội xuất ngũ.
Thường trực chính phủ cũng yêu cầu, những chính sách về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ công nhân mất việc làm phải được triển khai ngay trong tháng 2.