Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN "bức xúc" vì giá điện tăng
19 | 02 | 2009
Theo dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia, năm 2009 sẽ là năm có tăng trưởng thấp vì chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, quyết định tăng giá điện từ 1/3/2009 đang khiến cho không ít DN sản xuất trong nước như ngồi trên đống lửa vì nó tác động trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất của DN.

Nói về việc giá điện, ông Trần Phương Tùng - TGĐ TCT Vật liệu xây dựng số I (Fico) cho rằng: "Ở thời điểm hiện tại tăng giá điện là không phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế năm nay".

Chọn đúng thời điểm

Thực tế, đối với ngành vật liệu xây dựng trong năm 2009 chưa có xu hướng tăng giá mà còn dấu hiệu giảm giá, thậm chí nhiều sản phẩm sản xuất ra không thể tiêu thụ được khiến cho nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn. Do đó, việc tăng giá điện đang ảnh hưởng trực tiếp đến các DN trong ngành này và sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối trong sản xuất bởi giá sản phẩm không thể tăng nhưng ngược lại chi phí đầu vào do điện bị tăng đáng kể. Ngay trong sản xuất xi măng, chi phí về điện cho sản xuất clinker và xi măng thì tiền điện chiếm khoảng gần 20% giá trị sản phẩm, với mức độ tăng giá điện so với hiện tại thì ít nhất sẽ tăng thêm khoảng 1,5% trong giá thành phẩm. Về khoản chi phí này các DN sản xuất xi măng chưa biết hạch toán vào đâu mà giá đầu ra không thể tăng bởi xu hướng thị trường đang giảm.

“Việc tăng giá điện sẽ làm mất đi tính ổn định cần thiết của chính khối DN sản xuất”

Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất trong nước. Trong đó, các ngành thường có mức tiêu thụ điện năng lớn như thép, xi măng, gạch ngói trang trí và xây dựng... cũng là các ngành đang chịu tác động mạnh nhất từ việc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như trong nước. Trong năm 2009, hầu hết các DN này đều chỉ đưa ra kế hoạch, mục tiêu kinh doanh là làm sao cố gắng duy trì bảo toàn trong sản xuất và kinh doanh. Việc tăng giá điện đang nằm ngoài kế hoạch dự kiến của DN.

Cũng khá bức xúc với quyết định tăng giá điện, ông Cao Tiến Vị -TGĐ Cty CP Giấy Sài Gòn nói: "Chúng ta đang trong thời điểm đầu của suy thoái nền kinh tế, các DN sản xuất trong nước bắt đầu bị ảnh hưởng nên việc tăng giá điện ở thời điểm này là hết sức nhạy cảm. Trong trường hợp ngành điện mà không tự cân đối được thì bắt buộc phải tăng giá, điều này cũng là hợp lý nhưng phải chọn thời điểm để tăng giá...". Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Cty CP Giấy Sài Gòn chủ yếu là duy trì và bảo toàn vốn, giữ ổn định thu nhập cho CBNV. Tuy nhiên, giờ đây khi giá điện tăng buộc DN phải tính toán lại kế hoạch của mình. Thực tế, với chi phí sản xuất tiền điện thường chiếm trên 10% giá trị sản phẩm và mỗi năm DN này phải trả cho ngành điện khoảng 50 tỷ đồng và với mức độ tăng như dự kiến thì mỗi năm phải thanh toán thêm khoảng trên 4 tỷ tiền điện. Với số tiền điện tăng thêm sẽ đánh mất tính cạnh tranh của DN.

Điều chỉnh từ vĩ mô!

Hầu hết các DN đều cho rằng, tăng giá điện ở thời điểm hiện tại sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành các sản phẩm mà các DN sản xuất ra và chắc chắn nó sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Cty CP Vinamit cho rằng: "Trong thời điểm chúng ta đang rất cần phải kích cầu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước. DN sản xuất cần có sự ổn định để tạo định hướng phát triển thì việc tăng giá điện ở thời điểm này sẽ làm mất đi tính ổn định cần thiết của chính khối DN sản xuất". Cũng theo ông Viên, để có được sự ổn định thì Chính phủ cần có những bước điều chỉnh mang tầm vĩ mô, giá các loại nhiên liệu phục vụ cho sản xuất tăng sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu giá thành của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc điều tiết cần thiết sao cho phù hợp với việc kích cầu từ phía Chính phủ cho các DN sản xuất trong nước. Việc điều chỉnh giá điện cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến nông sản. Đối với mặt hàng này, lợi nhuận từ sản xuất đạt rất thấp và giá trị bán ra trên thị trường cũng thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Thế mà giờ lại phải cõng thêm chi phí tăng giá điện thì chắc chắn nhiều sản phẩm vốn đang khó cạnh tranh thì nay bị thua trên sân nhà là điều có thể thấy trước.

Thực tế, có không ít DN trước tình trạng liên tục leo thang giá của các loại nguyên - nhiên liệu phục vụ cho sản xuất nên đã tính đến việc đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng những thiết bị, dây chuyền siêu tiết kiệm điện và nhiên liệu hoặc thay đổi cả một hệ thống dây chuyền mới. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể làm ngay được. Ông Lưu Ngọc Thanh - GĐ Cty CP gạch ngói Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu" cho rằng: "Để thực hiện những điều này thì DN phải có cả một quá trình chuẩn bị khá công phu. Ngoài vấn đề về kinh phí, DN cần tìm cho mình một công nghệ phù hợp với dây chuyền sản xuất sẵn có". Trước tình trạng biến động liên tục về giá các loại nhiên liệu, Cty CP gạch ngói Mỹ Xuân đã có kế hoạch thay đổi toàn bộ hệ thống lò đốt và chuyển từ sử dụng dầu, điện sang hệ thống công nghệ nghiền và phun than siêu mịn. Theo tính toán thì mỗi năm hệ thống công nghệ này sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng từ nhiên liệu và chỉ khoảng 3 đến 5 năm hoàn vốn đầu tư công nghệ mới.


Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường