Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm sao để trường học chất lượng cao hơn
19 | 02 | 2009
Bên lề hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2009, ngày 17.2, tại báo SGTT – đơn vị bảo trợ thông tin cho hội thảo đã diễn ra cuộc toạ đàm “Nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong thế giới chuyển động” với khách mời là GS C.Peter Timmer (trung tâm Phát triển toàn cầu - Center for Global Development) và TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Toạ đàm đã cung cấp nhiều thông tin thú vị

TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh vai trò ngành nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam, không chỉ là ngành duy nhất xuất siêu năm qua, mà còn cung cấp nông sản, lao động, đất đai… giá rẻ cho phát triển các ngành khác. Và chính giá rẻ góp phần đáng kể trong việc đưa Việt Nam xếp thứ sáu thế giới về hấp dẫn đầu tư.

Tích tụ ruộng đất

“Việt Nam nên bắt chước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Indonesia, hay xây dựng mô hình riêng trong phát triển nông nghiệp?”, GS C.Peter Timmer đặt vấn đề.

GS C.Peter Timmer cho rằng Việt Nam khó thành công nếu sao chép nguyên bản mô hình các nước. Việt Nam là cường quốc trong thị trường gạo thế giới. Nhưng thời gian qua, trước những trục trặc của thị trường gạo thế giới ảnh hưởng đến an ninh lương thực, và cả chính trị, thế giới nhìn Việt Nam. Và Việt Nam chưa làm tốt vai trò của mình. Điều mấu chốt là ở chỗ tích tụ ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ 0,6ha/hộ. Sản xuất phân tán manh mún, năng suất không cao nên dù người nông dân cần mẫn đến đâu cũng nghèo. Phải để cho nông dân tích tụ ruộng đất cao hơn, trong 10 năm nữa phải là 10 – 20ha/hộ. “Có tích tụ, có năng suất cao hơn, có thể phát triển lúa gạo, rồi làm những ngành nghề khác như trồng hoa, trái… đa dạng hoá cơ cấu ngành nghề”, GS C.Peter Timmer nói.

Trong suốt cuộc toạ đàm, gần như mọi câu chuyện GS C.Peter Timmer nói, đều dẫn đến kết luận về tích tụ ruộng đất. Người tiêu thụ thế giới đang thay đổi, ở Hoa Kỳ, giá trị nông sản không phải được người tiêu dùng đánh giá bằng khẩu vị hay cái gì khác, mà chính là sự an toàn. Muốn như thế, phải truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Và không có tích tụ ruộng đất, thì thật khó truy nguyên nguồn gốc sản phẩm của ai trong hàng chục triệu hộ nông dân.

Mặt khác, các chính sách phải ổn định, người nông dân mới yên tâm sản xuất. Không thể hôm nay cho bán, ngày mai không. Ở Mỹ, sáu tháng qua, hầu như nhà đầu tư không làm gì vì trước những tranh cãi của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, họ chờ chính sách.

Và phát triển kinh tế nông thôn

Theo ông Sơn, khu vực nông thôn ở Việt Nam chỉ đóng góp 20% GDP nhưng lại có tới 70% dân số sinh sống. Cho nên, phát triển kinh tế nông thôn là rất quan trọng. Phát triển hiện nay ngày càng ít thâm dụng lao động, và cũng không thể phát triển bằng thâm dụng lao động, mà phải là thâm dụng vốn ở những ngành dùng công nghệ cao nên những ngành công nghiệp hiện nay ít hút lao động. “Tôi muốn nói đến cần phát triển kinh tế dịch vụ”, ông Sơn nói. Một ví dụ là phim trường Vô Tích (Trung Quốc) trước đây vốn rất nghèo nàn tài nguyên, khó phát triển nông nghiệp, nhưng có sẵn cảnh quan. Người ta đã xây dựng một phim trường. Người nông dân đầu tiên đóng phim (làm lính). Rồi thành quách mọc lên, khách du lịch đến xem đóng phim, khách sạn mọc lên, nay nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng.

GS C.Peter Timmer kể tiếp chuyện ở tây Java (Indonesia) có một ngôi làng nghèo, đất đai nhỏ hẹp. Người nông dân dù đã qua cách mạng xanh nhưng vẫn nghèo. Đã có một luận án tiến sĩ vẽ ra triển vọng bi quan của ngôi làng này. Nhưng sau 12 năm, nơi đây đã mọc lên một nhà máy sản xuất dệt may xuất khẩu, và người nông dân vui vẻ làm việc trong nhà máy. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi được.

Chuẩn bị cho tương lai

GS C.Peter Timmer đưa ra dự đoán đa số nông dân sẽ tiếp tục là nông dân trong 10 – 20 năm nữa. Nhưng thế hệ sau của họ, phải có sự chuẩn bị để có sự thay đổi. Và giáo dục ở nông thôn rất quan trọng để người nông dân có thể đổi đời. Phải làm sao để các trường học ở nông thôn có chất lượng cao hơn.

GS C.Peter Timmer cũng cho rằng không thể cho nông dân tiền như Nhật làm, mà quan trọng là phải làm cho người nông dân tự tăng được thu nhập và có động lực ở lại nông thôn. Để làm được điều đó, ông Sơn nêu một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bỏ 7 tỉ USD kích cầu vào đầu tư cho lúa gạo và nông nghiệp thì sẽ là phương án tạo GDP lớn nhất, tạo việc làm lớn nhất so đầu tư những lĩnh vực khác. Quy mô sản xuất lớn, nông dân giàu lên sẽ giảm áp lực dân nông thôn đổ về đô thị. Kinh nghiệm của Đài Loan là xây dựng hạ tầng tốt ở nông thôn, đào tạo lao động tốt, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà máy ở nông thôn rẻ hơn đô thị. Nông thôn nếu tìm được những ngành nghề có ưu thế để phát triển, sẽ hình thành nhiều đô thị. Và việc này giúp giảm áp lực dân đổ dồn vào thành thị.

Ông Sơn cũng nêu vấn đề để tránh lấy đi bờ xôi ruộng mật ở nông thôn thì có thể chọn đất những vùng như Dung Quất để phát triển công nghiệp.

Còn GS C.Peter Timmer thì cho rằng, đô thị hoá là quá trình tất yếu. Và cần đầu tư hạ tầng trước. Nếu cứ chờ có đầu tư trước, rồi mới làm hạ tầng sau sẽ gây những hậu quả không hay.

Thực tế này đã diễn ra ở TP.HCM, hình thành những đô thị tự phát và việc giải quyết hậu quả, đặc biệt là về môi trường, rất khó khăn.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường