Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa gạo ngon vùng sâu bí đầu ra
26 | 02 | 2009
Lọt thỏm giữa cánh đồng phèn Tam Nông, Đồng Tháp có những nhóm chuyên trồng lúa chất lượng cao. Mùa gặt, thương lái từ các nơi đến mua lúa, lúc cao nhất giá lúa Jasmine 85 lên tới 7.400đ/kg, nhưng ai nấy cho rằng chưa có dấu hiệu gì “ăn chắc, mặc bền” vì ở vùng sâu giá lúa ngon và lúa thường vẫn được bán cùng một giá

“Hai bữa nay, lúa xuống giá. Mấy chỗ khác giá lúa VD20 lên 7.400đ/kg, nhưng khi vùng này thu hoạch rộ thì thương lái từ Vĩnh Long, Tiền Giang qua mua lúa, định giá lúa khô: 6.900đ/kg, lúa tươi: 5.600đ/kg”, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Thọ, ông Mai Thanh Liêm (Bảy Liêm), xã An Long, một trong ba xã chuyên trồng lúa VD20 của huyện Tam Nông (An Hoà, An Long, Phú Ninh) nói.

Sản xuất đã ổn…

“Có đầu ra mới “gia cố” lòng tin của cộng đồng”, chủ tịch UBND xã Tân Cường Nguyễn Văn Dũng nói như vậy. Toàn xã có 4.366ha, tới nay mới hình thành hai nhóm trồng lúa chất lượng cao ở HTX Tân Cường và Hùng Cường. Ông Nguyễn Văn Trãi, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, ấp Tân Cường, Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp tiếp người của công ty Gạo Việt tại nhà, có vẻ tự tin khi nói về nhóm Tân Cường, nhưng cũng phải thừa nhận “giải bài toán đầu ra mất rất nhiều thời gian, công sức”. HTX ra đời cách nay bảy năm, vốn ban đầu chỉ có 32 triệu đồng. Hiện nay, vốn góp từ xã viên lên trên một tỉ đồng (308 xã viên), 90% diện tích của HTX thu hoạch bằng máy, có bốn máy sấy, công suất: bốn tấn/máy. HTX làm dịch vụ bơm tưới, nước sạch và tín dụng nhỏ. Nhờ đó xã viên mua máy gặt xếp dãy.

Năm 2005, HTX tìm doanh nghiệp bán 250 tấn lúa của xã viên, nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ mua chừng 100 tấn, HTX phải tìm nhiều đầu mối mới bán hết số lúa của 308 xã viên. Năm 2007, HTX cậy năm chuyên gia từ trường đại học An Giang tư vấn cách tổ chức cộng đồng, hoàn thiện hệ thống canh tác lúa chất lượng cao và quy trình theo hướng an toàn. Ông Trãi đang là phó chủ tịch xã xin về làm việc tại nhóm, tổ chức lại dịch vụ, học cách “rao” bán lúa và vận động góp quỹ cung cấp tín dụng nhỏ. Từ món vay này, nhiều thành viên của nhóm trở thành ông chủ nhỏ mở dịch vụ gặt thuê ngay trên cánh đồng Tam Nông. Vào thời điểm khan hiếm nhân công, công thu hoạch lên tới 2,2 triệu đồng/ha. Làm giỏi thì vài mùa lúa là gỡ vốn.

Gỡ thế bí của vùng sâu?

Ông Trầm Tấn Thành, đại diện công ty Gạo Việt thuộc công ty cổ phần thương nghiệp tổng hợp Thốt Nốt, nói: “Lâu nay chúng tôi chỉ mua gạo, nhưng nay sẽ liên kết với cộng đồng ở vùng nguyên liệu. Bước đầu chúng tôi sẽ mua lúa đông xuân, cao hơn giá thị trường 5% nếu đủ tiêu chuẩn độ thuần, tạp chất 3%, độ gãy 7%, ẩm độ 15 – 15,5 độ”. Giảm ẩm độ từ 16 – 16,5 độ cho khớp yêu cầu của ông Thành là việc khá khó vì phải phơi kỹ hoặc sấy nhưng lâu nay thương lái hay chê gạo sấy không đẹp như phơi nắng trời. Cuối cùng chủ nhiệm HTX nói: “Chúng tôi sẽ điều chỉnh”.

Tuy nhiên, chủ tịch xã Nguyễn Văn Dũng nói nếu doanh nghiệp muốn chở gạo thì chịu vì vùng này và cụm ba xã trồng VD20 chưa có nhà máy xay xát nào đủ tiêu chuẩn làm gạo xuất khẩu. Theo ông Bùi Phong Lưu, giám đốc công ty cơ khí công – nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, vùng lúa Phú Tân, An Giang có dự án xây dựng cụm xay xát và liên kết theo cộng đồng nông nghiệp mới. Trong đó, nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng lúa cùng đầu tư theo chuỗi giá trị. Công ty Bùi Văn Ngọ đầu tư thiết bị cho nhà máy xay và xây dựng quy chế hoạt động của nhà máy như công ty cổ phần nông thôn, nông dân sẽ mua cổ phần của nhà máy và hưởng cổ tức. Công ty còn trang bị máy móc, giúp điều hành hoạt động đến khi ổn định sẽ bán cổ phần để giảm tỷ lệ cổ phần do mình nắm giữ để điều chuyển vốn đầu tư cho cụm khác. Tuy nhiên, những chương trình như vậy cần có chính sách đầu tư tín dụng rất lớn từ Nhà nước chứ công ty tư nhân làm sao đủ vốn cho các cụm xay xát phân bố trên 40.000 cây số vuông.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Trãi ao ước: “Tỉnh giúp HTX xây dựng hai kho lúa, có lò sấy đàng hoàng nhưng đến năm 2011 mới hoàn chỉnh. Giá mà Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy xay xát gạo thì sẽ phá được thế bí của vùng sâu”.



Nguồn: SGTT
Báo cáo phân tích thị trường