Mặc dù đã có 70.000 tỷ đồng đã được cho vay hỗ trợ lãi suất, nhưng đến nay nhiều DN vẫn còn “khát” vốn, hỏi xem mình có được vay không. Ngay ngân hàng cũng băn khoăn trong việc quyết định hỗ trợ lãi suất cho một số DN…
“Ứng” vào cụ thể: khó
Các điều kiện để được hỗ trợ lãi suất đã được quy định cụ thể: doanh nghiệp vừa và nhỏ (có vốn pháp định dưới 10 tỷ đồng hoặc dưới 300 lao động), được các ngân hàng xét cho vay vốn (theo thủ tục thông thường) để làm vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với hợp đồng vay ngắn hạn (dưới 12 tháng), bằng đồng Việt Nam là được hỗ trợ lãi suất vay 4% (trừ 13 ngành không được hỗ trợ).
Thế nhưng, xác định thế nào là vốn lưu động, sản xuất kinh doanh; những lô hàng dở dang đang thiếu vốn giờ vay tiếp được không; rồi hợp đồng ký kết trước 1-2 (thời điểm Quyết định 131 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất có hiệu lực), có được hỗ trợ không... vẫn chưa có ý kiến thống nhất.
Cụ thể, lãnh đạo Công ty Giấy Vĩnh Huê thắc mắc vì sao chi phí trả lương cho công nhân bị Ngân hàng HSBC tách riêng khỏi gói vốn vay sản xuất nên không được hưởng lãi suất ưu đãi. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh khẳng định, chi phí trả lương là chi phí hợp lý cấu thành sản phẩm nên vẫn được hưởng ưu đãi lãi suất vốn vay. “Chúng tôi sẽ làm việc lại với Ngân hàng HSBC” - ông nói.
Thế nhưng, trường hợp vay vốn để sửa chữa cửa hàng, mua bảo hiểm tài sản, dùng làm quảng cáo (Công ty Dệt may Thái Tuấn hỏi) thì ông Minh lại trả lời là không được ưu đãi lãi suất, vì đó là chi phí quản lý thường xuyên của DN.
Lãnh đạo Công ty An Phú Gia là DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, hiện có dự án xây dựng ở khu chế xuất thì có được hưởng ưu đãi lãi suất không? Ông Minh trả lời: “Nếu doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh, vay vốn với mục đích mua vật liệu xây dựng và được vay vốn với hợp đồng dưới 12 tháng thì được hỗ trợ lãi suất”.
Tại cuộc gặp mặt, không chỉ DN đặt câu hỏi mà ngay lãnh đạo các ngân hàng cũng… thắc mắc! Lãnh đạo Ngân hàng Quốc tế đặt vấn đề, có một khách hàng là DN chuyên thu mua lúa gạo, trước đây DN này cũng vay vốn và thường bổ sung chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn sau khi mua xong lúa, gạo.
Vậy giờ không có giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không được hưởng lãi suất ưu đãi? - ông Minh cho rằng, đó là ngành kinh doanh đặc thù nên vẫn cho hưởng lãi suất ưu đãi theo thủ tục vay thông thường và sau đó bổ sung giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn như trước đây.
Có “cứu” hợp đồng dở dang?
“Thời gian khó khăn vừa qua, công ty chúng tôi không bán được hàng. Giờ còn lô hàng đang làm dở dang, chúng tôi muốn tiếp tục vay vốn hoàn thành lô hàng tồn kho này để bán, có được không? Hiện công ty đang có một hợp đồng vay vốn, vậy hợp đồng này có được hưởng ưu đãi không?” - đại diện Công ty Sản xuất và Chế biến gỗ Thiên Vũ hỏi.
Thế nhưng, câu trả lời của lãnh đạo ngân hàng khiến vị đại diện công ty thở dài: “Hết đường!”. Bởi vì đó là lô hàng cũ nên không được vay vốn tiếp. Chỉ trường hợp công ty có lô hàng sản xuất mới và hợp đồng vay vốn mới thì mới được hỗ trợ lãi suất. Đại diện Công ty cổ phần Việt Thái (chuyên sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản) cho biết, công ty đang “khát” vốn nhưng không có tài sản thế chấp thì có được vay vốn không?
Ông Minh cho biết, nếu công ty có phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản đảm bảo và có khả năng trả nợ thì các ngân hàng sẽ xem xét cho vay vốn. Và khi được cho vay vốn thì công ty sẽ được hỗ trợ lãi suất.
Nhiều công ty nhập khẩu cũng đang gặp khó khăn về vốn nhưng vẫn không được ưu đãi lãi vay. Cụ thể, DN có nhu cầu vay vốn để mua ngoại tệ thanh toán hàng nhập khẩu hay DN phải thanh toán bằng ngoại tệ, muốn chuyển sang nhận nợ bằng đồng Việt Nam… đều không được hưởng lãi suất ưu đãi.
Ông Nguyễn Hoàng Minh kết luận, các ngân hàng, doanh nghiệp phải căn cứ vào 3 yếu tố để xác định được hưởng ưu đãi lãi suất là: ưu đãi lãi suất nhằm tạo ra giá thành sản phẩm thấp, duy trì sản xuất của DN và giải quyết việc làm cho người lao động.
Nếu trong quá trình thực hiện, các ngân hàng làm khó DN bằng cách đòi hỏi thêm giấy tờ so với thủ tục thông thường trước đây hoặc DN đủ điều kiện hưởng ưu đãi lãi suất nhưng bị ngân hàng từ chối thì đề nghị DN phản ánh đến đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM, số: 38211230.