Người Bình Thuận độ rày phấn khởi bảo cây thanh long quê nhà đã đến hồi... phát tiết khi lần đầu tiên trong ngành trái cây VN, Hợp tác xã (HTX) thanh long Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) được Tổ chức EurepGap (Thụy Sĩ) trao chứng chỉ danh giá “Thực hành nông nghiệp tốt và trái cây ngon...”. Gian nan đường đến đỉnh cao Nắng lửa trái mùa giữa tháng mười một càng làm bật lên màu xanh bạt ngàn của những vườn thanh long đang độ sung sức trên vùng đất Hàm Thuận Nam. Nghỉ tay dưới bóng râm giữa những hàng trụ thanh long đan dày hoa nghịch vụ, anh Hồ Trọng Huấn - một trong số 11 thành viên HTX Hàm Minh, nói về “con đường chông gai” của cả nhóm: “Nghĩ lại thấy mình cũng... bạo gan thật khi đăng ký sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn EurepGap. Ai cũng biết khó ghê lắm, nhưng...”. ...Đầu năm 2005, anh Nguyễn Thuận - thành viên Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, gần 15 năm trong nghề trồng thanh long ở Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) - được giới thiệu về Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh VN (VNCI) do Cơ quan Quan hệ quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Về, anh Thuận liền “rỉ tai” bà con chuyên canh thanh long trong vùng. Thế là bà con gặp nhau bàn bạc, tính toán. Đến tháng 7-2005, 16 nông dân thôn Minh Hòa (Hàm Minh) quyết định đăng ký thành lập HTX Hàm Minh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn châu Âu với diện tích gần 50ha do anh Thuận làm chủ nhiệm. Mà đúng là khó thật, bởi theo lời chủ nhiệm Thuận, người được xét tham gia dự án tối thiểu phải có 1ha đất sản xuất (tương đương 1.000 trụ thanh long) đảm bảo các tiêu chí về môi trường: xa khu vực chứa chất thải công nghiệp, nghĩa trang, vùng từng xảy ra chiến sự (nhằm tránh nhiễm chất độc hóa học - NV)... Nếu hội đủ điều kiện ban đầu này, mẫu đất và nguồn nước sẽ được chọn ngẫu nhiên kiểm tra để xác định nồng độ các kim loại nặng và độc tố. Nếu trong giới hạn cho phép thì xem như ổn, bằng không đơn vị hỗ trợ VNCI sẽ thẳng thừng từ chối. “Hơn 400 ngày được phân công theo sát dự án, chỉ riêng việc hướng dẫn từng thành viên HTX Hàm Minh và gần 100 nhân công của đơn vị ghi nhật ký vườn trồng cũng đã làm tôi “điên cái đầu”: số lượng giấy đã ghi ít nhất phải đến vài chục ký. Mọi công đoạn trong chu kỳ sinh trưởng của cây thanh long bắt đầu từ khâu làm đất, chọn giống, ngày giâm trồng đến việc chọn thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt, bón phân, rồi sơ chế, đóng gói... nhất nhất phải được ghi chép cẩn thận”, anh Hứa Chí Tâm nói: |
Việc xác định độ an toàn của vùng đất sản xuất và nguồn nước tưới xem ra chỉ là khúc dạo đầu trong số hàng chục công đoạn bắt buộc để cho ra lò trái thanh long sạch. Đến trang trại của các thành viên HTX, chúng tôi thật sự ngạc nhiên về hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng rất... Tây, mất hẳn cái bóng dáng “chắp vá” thường thấy của nông dân ở hầu hết các làng quê. Bác Nguyễn Văn Huệ (70 tuổi) cho biết để có được hơn 2ha thanh long “tròn trịa” như hôm nay, gia đình phải đầu tư hơn 400 triệu đồng để làm kho chứa dụng cụ lao động, phân bón, tủ thuốc bảo vệ thực vật, khu ủ phân hữu cơ, bảng hướng dẫn nội qui lao động, thực hành phân lô trang trại... theo yêu cầu của VNCI. Đặc biệt giếng tưới phải phủ kín bằng tấm lưới dày hoặc nắp đậy để ngăn côn trùng và vật bẩn rơi xuống bên dưới. Cấm tuyệt đối xả rác (gồm nilông, bao bì phân bón, chai lọ đựng thuốc trừ sâu rầy...) trong vườn. “Nhưng như vậy cũng chỉ mới... 50% chặng đường đua chinh phục đỉnh cao chất lượng đối với trái thanh long Bình Thuận” - anh Hứa Chí Tâm, chuyên viên Công ty Tư vấn - giám sát IMO (VN), nói vui. Theo anh, để gỡ bỏ thói quen canh tác lạc hậu, ỷ lại và rất bảo thủ của bà con không phải là chuyện dễ dàng. Chính những qui định khắt khe đã rèn các thành viên của HTX Hàm Minh vốn chỉ quen chân lấm tay bùn trở thành những nhà nông hiện đại. Anh Hồ Trọng Huấn bảo chiếc máy tính của văn phòng thường ngày chỉ làm nhiệm vụ tính toán, soạn thảo văn bản thì nay đã được kết nối Internet... “Mỗi chủ vườn phải thường xuyên tìm kiếm trên mạng những thông tin về nông nghiệp để áp dụng. Chỉ riêng thuốc bảo vệ thực vật phải tìm xem loại nào nằm trong danh mục cấm sử dụng (hoặc dùng rất hạn chế) ở các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Mỹ... Nếu phun xịt bừa bãi thì trái thanh long qua đến châu Âu sẽ bị trả về tức khắc” - anh Huấn giải thích. “Cũng vì không chịu nổi áp lực của qui trình canh tác này nên đã có năm anh em mới “giữa chừng xuân” đã xin rút. Hiện giờ HTX chỉ còn lại 11 người với số diện tích canh tác chỉ tròm trèm 32ha”, anh Thuận cho biết. Bảo vệ thương hiệu Nhớ lại quãng thời gian gần hai năm cật lực phấn đấu thực hiện dự án, chủ nhiệm Nguyễn Thuận bảo tháng sáu vừa rồi là vất vả nhất. Dạo đó, mấy chục anh em của HTX ngày đêm tất bật, “vắt giò lên cổ” lo cho xong khu nhà chế biến sau thu hoạch và hoàn thiện khâu cuối cùng là đóng gói sản phẩm để IMO kiểm tra trước khi các chuyên gia Thụy Sĩ được mời sang thẩm định toàn bộ qui trình sản xuất. Nhưng sự vất vả, cần mẫn của những người dân quê dám nghĩ, dám làm và biết đón đầu thời cuộc trong sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường hiện nay đã được đền đáp: ngày 10-11 sẽ mãi là ngày đáng ghi nhớ của Bình Thuận, bởi lần đầu tiên trái thanh long của HTX Hàm Minh được Tổ chức EurepGap (Thụy Sĩ) công nhận “Thực hành nông nghiệp tốt và trái cây ngon EurepGap”. Ông Seth Winnick - tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - tại buổi lễ trao chứng chỉ nói: “Chứng chỉ này sẽ là tấm giấy thông hành để người trồng thanh long Bình Thuận đến với thị trường cao cấp Âu - Mỹ”. Hơn bốn tháng trước, lô hàng 500kg trái thanh long sạch đầu tiên của HTX Hàm Minh đã được xuất sang EU Metro với giá 0,8 USD/kg để phân phối lại cho một số cửa hàng chọn lọc của Metro Đức. Chủ nhiệm Thuận “bật mí” hiện đã có vài công ty ở TP.HCM đặt vấn đề mua bán lâu dài với đơn vị. “Nếu thuận buồm xuôi gió, đầu ra sản phẩm của bà con chúng tôi sẽ trơn tru, ổn định. Nhưng điều quan trọng hơn là bảo vệ được thương hiệu thanh long của địa phương...” - anh Thuận kỳ vọng. |