Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp sợ rủi ro tỷ giá
03 | 03 | 2009
Từ tình hình tỷ giá biến động mạnh trong năm 2008 cho đến việc khó khăn khi mua USD của các ngân hàng từ đầu năm đến nay, khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang rất đắn đo khi quyết định vay USD hay tiền đồng.

Vay tiền đồng hay đô la

Trong một buổi hội thảo xung quanh các rủi ro cho doanh nghiệp trong năm 2009 của ngân hàng Techcombank với khoảng 100 khách hàng là nhà xuất nhập khẩu, số câu hỏi được nêu ra chủ yếu xoay quanh các vấn đề về tỷ giá. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ càng khi quyết định vay tiền đồng hay USD.

Các doanh nghiệp vay để nhập khẩu là người phải đắn đo nhất hiện nay. Nếu vay ngoại tệ để nhập hàng, thì khi đến hạn trả nợ, khả năng mua USD bằng giá niêm yết tại các ngân hàng nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp; không ai có thể biết tỷ giá lúc đó biến động thế nào cũng như cung cầu ngoại tệ khi ấy ra sao. Giữa năm 2008, các doanh nghiệp đã từng vay USD vì nghĩ rằng tỷ giá không biến động nhiều đã điêu đứng khi đến hạn trả nợ; họ đã phải mua đô la tại ngân hàng - có khi giá đến 19.200 đồng/đô la để trả nợ cho chính ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, cung cầu ngoại tệ cũng đang mất cân đối khiến việc thu mua USD của các ngân hàng trở nên khó khăn, phải niêm yết giá mua và giá bán bằng nhau. Điều này càng làm doanh nghiệp nhập khẩu rất băn khoăn khi vay ngoại tệ.

Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tiền đồng lại lo theo kiểu khác. Các doanh nghiệp xuất khẩu (theo quy định không được vay ngoai tệ) hiện đang muốn vay tiền đồng theo chương trình tài trợ xuất khẩu của các ngân hàng, tức là vay đồng Việt Nam với lãi suất USD.

Lãi suất phổ biến của sản phẩm này là từ 5% - 6% tại các ngân hàng, trong năm 2009 khi được Chính phủ hỗ trợ lãi suất 4%, lãi suất vay của các doanh nghiệp chỉ còn từ 1% - 2%/năm. Thế nhưng, để được hưởng lãi suất đó, doanh nghiệp phải cam kết bán ngoại tệ lại cho ngân hàng với tỷ giá của ngày giải ngân.

Vậy nếu khi ngoại tệ về mà tỷ giá tăng mạnh, các doanh nghiệp vay tiền đồng sẽ cho rằng mình bị thiệt thòi vì không được hưởng chênh lệch tỷ giá. Trong thời điểm hiện nay, có khi giá đô la ngoài thị trường chợ đen lên gần 18.000 đồng, thì việc chênh lệch tỷ giá là có thể có trong tương lai. Điều này cũng khiến doanh nghiệp suy nghĩ nhiều khi vay tiền đồng.

Công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá

Đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ, Phó tổng giám đốc Techcombank bà Nguyễn Thị Tâm nói “Ngân hàng chỉ cam kết có đủ nguồn ngoại tệ để cho các doanh nghiệp vay chứ không thể đảm bảo có đủ ngoại tệ để bán lại cho doanh nghiệp với giá rẻ để trả nợ cho ngân hàng vì nguồn đô la cho vay và mua bán là hoàn toàn khác nhau”.

Techcombank cũng như một số ngân hàng khác được thực hiện các dịch vụ ngoại hối đều có cung cấp các sản phẩm cho doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn (forward) hay quyền chọn (option). Doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ, có thể ký một hợp đồng với ngân hàng để mua ngoại tệ với mức giá thích hợp vào thời điểm trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ trong tương lai, tuy nhiên hợp đồng này phải trả phí.

Đối với các sản phẩm cho vay tiền đồng với lãi suất đô la hiện nay, có ngân hàng như Eximbank thiết kế hẳn nhiều loại sản phẩm cho doanh nghiệp lựa chọn với các mức lãi suất khác nhau tùy thuộc mức độ cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng. Các sản phẩm này còn khá mới mẻ với doanh nghiệp trong nước vì nhiều năm trước tỷ giá đồng Việt Nam và USD rất ít biến động.

Ví dụ như sau khi được hưởng hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp có thể vay tiền đồng với lãi suất 0,9%/năm nhưng phải cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng với tỷ giá của ngày giải ngân; hay lãi suất 1,4%/năm và bán ngoại tệ cho ngân hàng theo tỷ giá ngày giải ngân cộng 10 đồng/tháng cho mỗi USD. Nếu doanh nghiệp không muốn bán ngoại tệ lại cho ngân hàng thì lãi suất vay sau khi được hỗ trợ sẽ là 4,1%/năm. Đối với các sản phẩm này, ngân hàng kiếm lợi được chính là nhờ sự chênh lệch tỷ giá và các ngân hàng cũng phải đi ký các hợp đồng forward hay option với các tổ chức khác để bảo hiểm cho mình.

Bà Lưu Thị Ánh Xuân, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay tiền đồng mà ngân hàng phải huy động với lãi suất cao bằng lãi suất cho vay ngoại tệ thì doanh nghiệp hãy xem như là mình vay ngoại tệ tại ngân hàng và đến khi thu được ngoại tệ về thì phải đem trả nợ cho ngân hàng. “Nếu doanh nghiệp nghĩ đó là tiền trả nợ chứ không phải bán cho ngân hàng thì sẽ thấy đỡ lấn cấn hơn”, bà nói.



Nguồn: www.doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường