Trong tiếng Nhật, "genchi genbutsu” mang nghĩa "nhìn tận mắt, làm tận tay". Cụm từ này là triết lý Toyota và người thực hành nghiêm túc nhất không ai khác là Akio Toyoda, tân Tổng Giám đốc tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới.
Mùa hè năm ngoái, Toyoda tới một đại lý ở Ann Arbor, bang Michigan, Mỹ để điều tra cụ thể về vụ thu hồi xe bán tải cỡ nhỏ. Chuyến đi bí mật đến mức bộ phận PR hoàn toàn không biết. Mặc nguyên bộ vét đắt tiền, ông cúi xuống mặt đường, kiểm tra gầm của một trong các xe tải, gây cho các nhân viên sở tại một phen bất ngờ vì vị lãnh đạo cao cấp của mình.
Kể từ tháng 6/2009, Toyoda sẽ tiếp quản Toyota. Gã khổng lồ này đang phải chịu đựng cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1950, năm mà ông nội của Akio Toyoda bị buộc phải từ bỏ công ty do mình sáng lập năm 1937.
Đà tăng trưởng của Toyota danh tiếng và giàu có bậc nhất thế giới bị khựng lại. Báo cáo tài chính 2008 ghi nhận thua lỗ hàng tỷ USD, một sự đảo chiều bất ngờ sau những gì họ đã làm được trong nửa đầu thập kỷ qua.
Tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Toyota, hàng tồn kho chồng chất trong khi các nhà phân phối đang phải vật lộn với doanh số giảm sút chỉ còn một phần ba. Trong nội bộ Toyota, tình hình được đánh giá là "khẩn cấp" với những cuộc họp cấp cao bất thường và các chuyến công tác nước ngoài. Toyota mới đây cũng tuyên bố cắt giảm giờ làm và chi phí cho lãnh đạo.
Tất cả những thử thách này không một ai trong Toyota có thể lường trước, dù cách đây một năm. Vào đầu tháng 2, Toyota đưa ra dự đoán lỗ ròng vào khoảng 3,9 tỷ USD trong năm tài chính 2008, kết thúc 31/3. Họ cũng ước tính lỗ kinh doanh khoảng 5 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ khi Toyota được thành lập.
Những thông tin tài chính ảm đạm được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Toyota khẳng định tin đồn về việc Akio Toyoda sẽ trở thành tân Tổng giám đốc, thay thế Katsuaki Watanabe, người lùi về làm Phó tổng giám đốc. Viễn cảnh suy giảm sâu cùng tuyên bố dòng họ Toyoda trở lại nắm quyền gây chấn động không kém nguy cơ phá sản đang phủ bóng lên ngành ôtô Detroit.
Nhằm đối phó với khó khăn trước mắt, Toyota đã cắt giảm chi tiêu hơn 10% và phải để những công nhân tạm thời ra đi, bảo đảm cho các công nhân chính thức được hưởng chính sách thuê làm suốt đời như họ vẫn được hưởng từ trước đến nay.
Toyota cũng xem xét lại chuỗi sản xuất và cung ứng ôtô của mình trên khắp thế giới, tăng cường xuất xưởng những mẫu thân thiện với môi trường. Lên kế hoạch cho đến năm 2030 khi mà các loại xe lai hybrid, xe chạy hydro trở thành phổ thông, thay thế cho xe sử dụng động cơ đốt trong.
Theo lời Watanabe, Toyota không có ý định tìm kiếm giúp đỡ từ phía chính phủ, ở Nhật hay bất kì đâu. Thực tế này tạo ra sự khác biệt giữa Toyota và đối thủ của họ ở Mỹ. "GM, Ford, Chrysler cố gắng tồn tại", ông John Paul MacDuffie, giáo sư quản trị học trường Wharton, Đại học Pensylvania, nhận xét. "Còn tất cả những gì Toyota làm là sống lâu hơn trong thời kỳ suy thoái".
Để làm được điều đó, Toyota phải dựa vào người đã bỏ ra 25 năm làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu và đúc rút kinh nghiệm nhằm sẵn sàng cho vị trí hôm nay.
Sau 14 năm để người ngoài điều hành, quyền lực trở lại với dòng họ sáng lập Toyota. Tuy nhiên, Akio Toyoda khẳng định sẽ không ủng hộ chế độ gia đình trị và cũng nhanh chóng chứng minh lòng nhiệt tình đối với di sản của cha ông. "Tôi không được lựa chọn khi sinh ra trong dòng họ Toyoda".
Ở tuổi 52, Akio vẫn còn khá trẻ để trở thành Tổng giám đốc của một tập đoàn Nhật. Người tiền nhiệm Watanabe, tròn 67 tuổi vào 27/2, chỉ được bổ nhiệm khi ông đã 63 tuổi. Toyoda thông thạo tiếng Anh, đạt hạng ưu Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Babson, bang Massachusset. Trong một thời gian dài, ông sống tại New York, làm chuyên gia đầu tư và cố vấn quản trị.
Theo giáo sư MacDuffie, Toyoda không giống như các giám đốc người Nhật, luôn dựa vào phiên dịch viên mặc dù họ biết ngoại ngữ. Ông sẵn sàng sử dụng tiếng Anh khi giao tiếp, phát biểu, phỏng vấn, thậm chí trong các chương trình đào tạo của trường Wharton tại Nhật. Trong một hội nghị gần đây của Wharton, Toyoda đã chứng tỏ khiếu hài hước biến một bài thuyết trình thành một buổi nói chuyện ngẫu hứng. “Ông ấy là một phần của thế hệ mới”, MacDuffie nhận xét.
Không ngạc nhiên khi các giám đốc Toyota Bắc Mỹ nóng lòng chờ ngày Toyoda lên nắm quyền. "Akio là một lãnh đạo rất rất tốt", giám đốc điều hành Toyota Motor Sales Mỹ, James Lentz nói. "Anh ấy nhiệt tình với công ty và nhiệt tình với đồng nghiệp".
Lentz gặp Toyoda vào năm 1995 khi là giám đốc Toyota San Francisco còn Toyoda giữ chức chuyên gia hoạch định và quản lý tại một nhà máy ở Fremont, California. Vào một tối muộn một ngày thứ sáu năm đó, Toyoda bất ngờ gõ cửa văn phòng của Lentz để lấy một chiếc xe dùng vào cuối tuần. Lentz càng ngạc nhiên hơn khi người đi cùng với Toyoda chính là bố của ông, Shoichiro, Cchủ tịch Toyota khi đó. Shoichiro đến Mỹ không thông báo trước để thăm con trai.
Sự xuất hiện bất ngờ của người cha ảnh hưởng tới tính cách của Akio Toyoda. Vài tháng gần đây, ông thường xuyên gặp gỡ Mark Templin, giám đốc Lexus, một trong những lãnh đạo xuất sắc nhất của Toyota, để bàn về tương lai của nhãn hiệu hạng sang này. Vào tháng 1, Toyota tuyên bố Lexus sẽ phát triển chiếc hybrid đầu tiên của mình.
Templin cũng thường đến thăm Toyoda tại Nhật. Ông mô tả bàn làm việc của Toyoda là "ngập trong giấy tờ". Văn phòng của Toyoda nhỏ hơn những gì vị giám đốc người Mỹ kì vọng. Tuy vậy, điều đó không làm ảnh hưởng tới ấn tượng của ông về nỗ lực nhiều thập kỷ của Toyoda nhằm nắm bắt tất cả các khía cạnh trong tập đoàn.
Cùng lúc quản lý nhà máy Fremont, Toyoda cũng điều hành chi nhánh Toyota tại Trung Quốc và Nhật Bản, mở ra một website tập trung vào những người tiêu dùng trẻ tại Nhật có tên là Gazoo.com. Trang web ban đầu là một phương án marketing cho xe hơi đã qua sử dụng, sau này trở nên nổi tiếng trong cộng đồng mạng xã hội.
Toyoda được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị năm 2000, giúp ông có mối quan hệ thường xuyên với các lãnh đạo cấp cao. Sau đó là gia nhập hàng ngũ của họ vào năm 2005 với chức Phó tổng giám đốc.
Ông tỏ ra hứng thú đặc biệt đối với ôtô. Có thể dành hàng giờ mỗi tháng để thử các loại xe mới. Vào 2007, ông thậm chí còn thực hiện cuộc đua kéo dài 4 tiếng cùng với đội đua Toyota tại Đức.
Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Michigan, tác giả của nhiều cuốn sách về Toyota, Jeffrey K. Liker nhận xét: "Toyoda là một dòng họ danh giá. Tổng giám đốc là bộ mặt của tập đoàn. Và vào thời điểm này, có một bộ mặt xứng tầm là điều rất quan trọng".