Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng Nai: Mô hình trồng tiêu an toàn cho năng suất cao
04 | 03 | 2009
Mặc dù cây tiêu ở nhiều nơi trong tỉnh Đồng Nai đang bị dịch chết nhanh, chết chậm hoành hành, nhưng 60 ha tiêu của nông dân ở ấp 5, xã Phú Lập thuộc huyện miền núi Tân Phú vẫn xanh tốt, cho năng suất khoảng 4,5 tấn/ ha, cao hơn năng suất các nơi khác từ 1 đến 2 tấn/ ha, đang được Công ty KSS Việt Nam (Kaneka Sun Spice) của Nhật Bản đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore khảo sát để mua và chế biến, xuất khẩu.

Theo các chủ vườn tiêu ở ấp 5, để hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh và cho năng suất cao, các chủ nhà vườn đã mạnh dạn từ bỏ thói quen bón phân hóa học, thay vào đó là phân hữu cơ vi sinh. Điển hình, vườn tiêu của anh Phạm Hữu Khiêm, trong vụ tiêu năm ngoái đã thu gần 8 tấn hạt trên diện tích 1,2 ha và dự kiến vụ tiêu này năng suất sẽ không giảm. Anh Khiêm cho biết, hơn 3 năm trước vườn tiêu của anh cũng bị úa lá và đã tốn tiền mua nhiều loại phân bón nhưng tình hình không khả quan. Nhờ người mách bảo, anh chuyển sang mua phân hữu cơ vi sinh BIOMIX thay thế phân hóa học, sau một thời gian chăm bón, vườn tiêu xanh tốt trở lại. Từ đó anh chỉ dùng phân vi sinh để bón cho cây tiêu. Thấy hiệu quả, nhiều hộ trồng tiêu xung quanh cũng làm theo. Cùng với phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng, gia đình anh Khiêm còn sử dụng loại nấm đối kháng tricodecma để ngăn ngừa các loại nấm, nhất là nấm phytopthora đang làm nhiều vườn tiêu chết hàng loạt mà không cần phải sử dụng đến thuốc trừ sâu. Cách làm này không những ngăn được bệnh, giảm chi phí, mà chất lượng và năng suất tiêu còn cao hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Bé, một nông dân trồng 3 ha tiêu ở đây tính toán, nếu sử dụng phân hóa học thì một gốc tiêu mỗi năm tốn từ 25.000 đồng trở lên, còn sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng chi phí chỉ khoảng 15.000 đồng/gốc, giảm gần 50%. Ngoài các biện pháp trên, các chủ vườn tiêu ở ấp 5 còn cho biết: Muốn hạn chế dịch bệnh trên cây tiêu, phải luôn làm cho vườn tiêu thông thoáng, không tồn đọng nước sau khi mưa và phải thực hiện tưới nước theo phương pháp nhỏ giọt vào mùa khô để nước tưới thấm sâu xuống gốc tiêu, tránh tưới tràn vào gốc cây, vừa tốn nước, vừa dễ lây lan dịch bệnh.

Công ty KSS Việt Nam đang cần một vùng nguyên liệu đủ cung cấp hơn 2.000 tấn tiêu hạt mỗi năm để chế biến xuất qua Nhật Bản và Thái Lan. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nông nghiệp, trong đó phân hữu cơ vi sinh thay thế cho các loại phân hóa học như bà con trồng tiêu ở xã Phú Lâm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt đang là tiền đề để nông dân ở xã Phú Lâm, nơi có 100 ha tiêu nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung hình thành những vùng chuyên canh tiêu năng suất cao, chất lượng tốt để xuất khẩu. Hơn nữa, khi sử dụng phân vi sinh không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư cho nhà vườn, mà còn làm cho đất tăng thêm độ phì, đồng thời sản xuất ra sản phẩm sạch và an toàn.

Đồng Nai hiện có khoảng 6.000 ha tiêu, do mưa trái vụ và thời tiết lạnh trong những ngày qua đã làm gần 2.000 ha tiêu của toàn tỉnh bị nhiễm bệnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Long Khánh. Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, để phòng trừ sâu bệnh hại cây tiêu, bà con nên bón nhiều phân hữu cơ hoai mục, cung cấp cân đối phân vô cơ, bón thêm vôi bột cho các gốc tiêu, thường xuyên chăm sóc, vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng và phun xịt thuốc kịp thời theo phương pháp "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm).



Nguồn: khuyennong
Báo cáo phân tích thị trường