Ông Shozo Nakayama, Chủ tịch Công ty Amtec:
Tìm hướng đi mới là cách tồn tại
Với 25 năm chuyên sản xuất hệ thống xử lý nước, hệ thống lọc nước, hiện ngoài thị trường nội địa, sản phẩm chúng tôi cũng đã có mặt tại Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Thời gian qua, công ty vẫn giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định 100% nhân lực. Không những thế, công ty còn thực hiện tăng lương bình quân từ 15% - 20% cho toàn thể nhân viên. Để làm được điều này, chúng tôi luôn chú trọng vào chất lượng cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, triển khai những ngành nghề mới, lĩnh vực kinh doanh mới. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi đến VN gặp gỡ những đối tác mới. Chúng tôi luôn quan niệm rằng phải sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Dù khó khăn nhưng mỗi ngành nghề đều có lợi thế và cơ hội phát triển riêng nếu biết chọn hướng đi đúng.
Phương châm của chúng tôi là “hãy tự cứu mình”, thay vì chờ mọi người cho lời khuyên thì hãy nghĩ ra những lĩnh vực kinh doanh mới, ngành nghề mới đáp ứng thị hiếu khách hàng.
Ông Shuji Kachi, Công ty NTT Data System Technologies Inc:
Cạnh tranh bằng nhân công rẻ
Năm qua, ngành công nghệ thông tin nói chung và gia công phần mềm nói riêng trên thế giới bị suy giảm mạnh. Chúng tôi cũng vậy, là một doanh nghiệp (DN) sản xuất phần mềm cho các ngân hàng, tài chính nên đơn hàng cũng giảm theo. Để giúp DN tồn tại, vượt qua khó khăn, khi đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi luôn chú trọng đến tính tiện ích, thiết thực hơn cho khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang hướng đến những đối tác mới để chia sẻ thị trường trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Việc hướng đến thị trường có nguồn nhân lực giá rẻ cũng là cách mà chúng tôi quan tâm. Đó cũng là lý do khiến tôi tham gia trong chuyến đi này. Bởi khi chi phí thấp, chất lượng tốt thì chúng tôi đã tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Ông Noritada Ito, Chủ tịch Taiyo Corporation:
Không cắt giảm lao động
Là một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, năm qua, chúng tôi chịu tác động không nhỏ của suy giảm kinh tế khi đơn hàng giảm từ 30% - 40%. Để vượt qua khó khăn, công ty đưa ra nhiều biện pháp để ổn định nội bộ, trong đó chú trọng bình ổn nhân lực. Công ty không cắt giảm lao động mà thay vào đó, để bảo đảm việc làm cho nhân viên, công ty chỉ giảm tiền công, chia việc cho mọi người. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi giảm những chi phí bất hợp lý, nhờ đó giúp DN cải thiện doanh số.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ không chỉ DN Nhật Bản mà ngay cả DN VN cần suy nghĩ tích cực hơn, đừng buông xuôi để DN mình phải phá sản. Phải tìm mọi cách để tồn tại, việc vượt qua khó khăn trong giai đoạn này về sau sẽ giúp DN trưởng thành hơn, phát triển bền vững hơn.
Ông Michitaka Nakatomi, Tổng Giám đốc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản:
Chi ngân sách ổn định sản xuất
Năm 2008, kinh tế Nhật Bản rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu giảm, trong đó những ngành vốn là thế mạnh của Nhật như ô tô, điện tử bị giảm mạnh. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã chi 75.000 tỉ yen để giúp DN trong nước ổn định sản xuất.
Không chỉ vậy, để bình ổn và mở rộng sản xuất, các DN Nhật đang tìm cơ hội đầu tư sang các nước. Một khảo sát được tiến hành trên 3.000 DN Nhật Bản cho thấy 50% số này có nhu cầu mở rộng thị trường, trong đó có thị trường VN. Về việc xúc tiến đầu tư vào VN, chúng tôi đang thực hiện chương trình sáng kiến, tập trung vào hai lĩnh vực gồm hỗ trợ ngành chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực; qua đó, giúp DN Nhật khi đầu tư vào VN trong tương lai sẽ có đủ nguồn nhân lực.