Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người trồng rau khấp khởi, người mua còn ngại
13 | 03 | 2009
Sau sự kiện rớt giá thê thảm cuối tháng 2, thị trường rau đã dần đi vào quỹ đạo. Người nông dân tỏ ra khá vui mừng trước những tín hiệu lạc quan này, nhưng người tiêu dùng thì vẫn hoài nghi về chất lượng.

Rau tăng giá, người tăng gia

Phóng viên Vietnam+ đã có mặt tại vựa rau Vân Nội (Đông Anh) – một trong những điểm đầu mối cung cấp rau sạch cho thủ đô. Tại đây, hiện các loại rau như su hào, cải bắp, cải xanh hay cà chua đã thu hoạch gần xong. Chỉ còn lại những luống rau trồng muộn cuối đợt.

Chính vì lý do rau muộn khá khan hiếm nên giá cả những mặt hàng này cũng đang nhích dần lên. Cụ thể, su hào đạt mức 700 đồng/củ (so với 1.000 đồng/4 củ tháng trước). Cải bắp là 1.500 đồng/kg (so với 700 đồng). Các loại rau sạch khác cũng nhích giá thêm từ 2.000 đến 5.000đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Thu (Vân Nội – Đông Anh) cho hay: “Giá rau tăng nên tôi rất mừng. Vì nhà tôi vẫn còn 3 sào muộn, bán được may ra vớt vát đôi chút”. Ngay bên cạnh, chị Hà – một tiểu thương vừa cười vừa nói: “Giá lên, tiền cũng lên. Chị em ai cũng phấn khởi vì đã có ít vốn để sản xuất trở lại”.

Theo ghi nhận của Vietnam+, tại các chợ đầu mối lớn như Long Biên, Cầu Giấy và Từ Liêm, hiện giá rau xanh cũng tăng thêm từ 2.000 đến 3.000 đồng. Do vậy, không còn hiện tượng người dân chở rau ra bán, giá thấp phải đem đổ đi như trước nữa.

Thu nhập bình quân của người nông dân dần được cải thiện. Chị Thu vui mừng vì hiện mỗi ngày chị đã có thể kiếm về xấp xỉ 70.000 đồng bù công, chứ không phải “đem rau bỏ chợ” về tay trắng như đợt cuối tháng 2/2009.

Tăng giá vì sắp cạn nguồn cung?

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hợp – Phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã Vân Nội cho rằng: “Rau đang bước vào cuối vụ để người dân luân canh sang trồng lúa Đông-Xuân nên khan hiếm, vì vậy mà giá tăng”. Được biết, diện tích trồng rau toàn xã là 110 ha trong tổng số 390 ha đất nông nghiệp. Có đến 60% nông dân coi rau là nguồn thu chính của mình.

Bà Hợp cũng cho biết thêm: “Mỗi ngày tại chợ rau An Toàn Vân Nội cũng cung cấp từ 70 đến 80 tấn rau sạch cho thành phố Hà Nội. Hiện tại, do rau bị dồn lại đến cuối vụ nên cung ít hơn cầu, giá sẽ tăng là tất yếu”. Trong thời gian tới, giá rau được dự đoán vẫn tăng nhưng có khả năng sẽ rớt giá nhẹ khi vào vụ mới trong khoảng 1 – 2 tháng nữa.

Các thương lái tại chợ đầu mối Long Biên lại có cách lý giải khác về vấn đề này. Anh Nguyễn Văn Hòa (chợ Long Biên) khẳng định: “Hiện, các thương lái Trung Quốc chưa đổ hàng về nên chúng tôi chưa bị cạnh tranh và còn làm ăn được”.

Một cán bộ Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, rau xanh tại các quầy chiếm 70 đến 80% so với củ quả, ngoài ra sức mua của người dân cũng tăng nên giá tăng theo. “Tuy nhiên, thời gian tới khi rau khan hiếm và không đủ cung thì các lái buôn Trung Quốc sẽ lại đổ hàng về, ảnh hưởng trực tiếp đến bà con” – ông cho biết thêm.

Vẫn lo về chất lượng

Người mua rau cũng đã quay trở lại nhưng họ vẫn chưa thể yên tâm về chất lượng rau. Chị Lê Thị Vân (Thái Hà – Hà Nội) cho biết: “Tháng trước rau rẻ như cho không nên tôi lo ngại về nguồn gốc cũng như chất lượng. Tôi phải cắn răng mua siêu thị cho đảm bảo. Giờ rau tăng giá lên, tôi mới dám ra chợ”.

Cũng về vấn đề này, nhiều người khẳng định: điều cần thiết là phải đi đôi với chất lượng. Giá rau tăng đòi hỏi chất lượng phải tốt hơn, có như vậy thì người tiêu dùng mới an tâm. Chị Trần Thị Lý (Vĩnh Hồ - Hà Nội) than phiền: “Rau tăng giá, nhưng chất lượng liệu có tăng, để người tiêu dùng như chúng tôi an tâm”.

Ngoài ra trước hiện trạng rau nội ế ẩm, rau Trung Quốc tràn lan cách đây 1 tháng có hóa chất độc hại cũng làm cho tâm lý người tiêu dùng phải chú ý, đề phòng khi đi mua hàng.

Khách hàng chủ yếu là lựa chọn bằng mắt và bằng cảm tính, họ không thể tìm hiểu được nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này. Chị Thìn (Khâm Thiên – Hà Nội) cho chúng tôi biết: “Mình đi chợ chủ yếu là vào các hàng quen để mua rau, mua tại các nơi đó mới đỡ đi chút nào lo lắng về nguồn gốc xuất xứ”.

Sự lo lắng của người tiêu dùng không phải không có cơ sở, khi mà phần lớn rau bày bán tại các chợ hiện đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và cũng không có “tem” kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng.

Đã đến lúc, các ngành chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải vào cuộc một cách thật sự từ khâu cung cấp giống cho đến quy trình trồng, thu hoạch và tiêu thụ các sản phẩm rau xanh, củ quả… nhằm mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm về chất lượng, chứ không chỉ dừng ở các đợt kiểm tra “tùy hứng” như hiện nay./.




Nguồn: viet linh
Báo cáo phân tích thị trường