Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỗ trợ 4% lãi suất chưa "thấm" tới doanh nghiệp
13 | 03 | 2009
Mục tiêu của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm giảm bớt áp lực, tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, vực lại hoạt động xuất khẩu đang trên đà giảm sút. Tuy nhiên, sau 2 tháng nhìn lại, các giải pháp hỗ trợ dường như chưa có hiệu quả.

Xuất khẩu tăng nhưng không mừng

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tháng 2 đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 39% so với tháng trước, và tăng 19% so với cùng kỳ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm lên 8,3 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Như vậy, với kim ngạch nhập khẩu khoảng 7,7 tỷ USD, hai tháng đầu năm cả nước xuất siêu khoảng 500 triệu USD. Đây là mức tăng trưởng khả quan của hoạt động xuất khẩu, đặc biệt với mức giảm 5% nếu so sánh với các nước trong khu vực và Trung Quốc. Tuy vậy, nhìn lại cơ cấu ngành hàng xuất khẩu có thể nhận thấy hoạt động xuất khẩu đang bộc lộ nhiều yếu tố đáng lo ngại.


Đó là đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm chủ yếu là kim ngạch xuất khẩu vàng, kim loại quý và mặt hàng gạo; trong đó riêng vàng, kim loại quý hai tháng đầu năm với kim ngạch xuất khẩu lên tới 939 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch xuất siêu. Gạo cũng đạt mức tăng kỷ lục, gấp đôi cả về lượng và giá so với cùng kỳ. Còn lại, mặc dù giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu tăng từ 10- 15%, nhưng xuất khẩu chung của cả nước đã bị sụt giảm rõ rệt do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ… và sự thu hẹp của thị trường do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.


Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản đều giảm 20%. Mặt khác, xuất siêu, nhập khẩu giảm cũng cho thấy nền kinh tế nước ta vẫn đang trong tình trạng khó khăn, sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu các mặt hàng là nguyên liệu, vật tư giảm sút. Trong khi đó, các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dường như chưa thấm tới các doanh nghiệp xuất khẩu

Hỗ trợ lãi suất thôi, chưa đủ

Với gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ được coi là giải pháp trực tiếp giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Song, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 4% trên thực tế mới chỉ có lợi cho các ngân hàng thương mại còn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn đang phải đứng ngoài do còn bị vướng nhiều quy định.


Cho đến thời điểm này, mới chỉ có một số rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ mà lý do chủ yếu là các doanh nghiệp chưa tới thời hạn đáo nợ nên chưa thể vay được nguồn vốn mới để hưởng lãi suất ưu đãi. Theo các doanh nghiệp, họ chỉ có thể thụ hưởng được nguồn vốn này nếu được các ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất để đáo nợ cũ. Bên cạnh đó, thời gian cho vay ngắn, tiêu chuẩn ngặt nghèo, giải ngân chậm cũng đang làm khó cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn


Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rào cản lớn nhất khi tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng là không có tài sản thế chấp vì vậy chương trình bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Phát triển được coi là một chiếc phao cứu sinh cho các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì thiếu vốn. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, tiêu chí chỉ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có số vốn không quá 20 tỷ đồng với 500 doanh nghiệp thì quả là một sự đánh đố với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành điều, dệt may…

Thủ tục vẫn là vấn đề gây bức xúc nhiều nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục thuế, như thời gian ân hạn thuế quá ngắn, thủ tục hoàn thuế VAT quá phức tạp và mất thời gian, quy định tính thuế chưa phù hợp với một số mặt hàng như nguyên liệu tồn kho, các container hàng của DN bị trả về, thủ tục xét hoàn thuế còn chưa thống nhất tại các địa phương… đang làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Tuyển, Ủy viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc Gia, cho rằng, yêu cầu đảo nợ cho doanh nghiệp là một thực tế và cần được xem xét để gỡ rối cho doanh nghiệp. Còn quy định hạn chế số lượng lao động trong tiêu chí cho vay bảo lãnh là một tiêu chí rất ngược đời trong hoàn cảnh hiện nay, khi vấn đề bảo vệ việc làm cho người lao động đang đặt lên hàng đầu thì các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mới chính đối tượng cần ưu tiên. Sự bất cập về tiêu chí cho vay bảo lãnh cũng đang được kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp; các thủ tục về Hải quan, thuế, thủ tục về xây dựng, đặc biệt là thủ tục hoàn thuế còn gây phiền hà cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh cải cách hành chính để hạn chế tối đa thủ tục cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, chương trình XTTM quốc gia năm 2009 cũng đã có những điều chỉnh nhằm thay đổi cơ bản phương thức XTTM với nhiều nội dung mới như hỗ trợ cho các doanh nghiệp mời các đoàn khách nước ngoài, đặc biệt là các đoàn doanh nghiệp về phân phối nhập khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, thị trường. Đối với các chương trình XTTM ở nước ngoài cũng được giám sát chặt chẽ nhằm tạo ra hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực trong việc hỗ trợ nhu cầu về hạ tầng bảo quản, tạm trữ hàng, mua tạm trữ, nguyên liệu, hàng hóa để bình ổn giá nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các đơn hàng dài hạn.



Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường