Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân “vờn” doanh nghiệp
13 | 03 | 2009
Tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lúa, gạo cho nông dân và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nông dân chưa muốn bán lúa vội.

Nông dân chưa vội

Chủ một kho gạo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, than thở rằng những ngày qua dù cố hết sức nhưng chỉ mua vào bình quân được... 10 tấn gạo/ngày.

“Đã vào vụ đông xuân mà lúa, gạo khan hiếm quá. Cùng kỳ năm ngoái, mỗi ngày kho của tôi có thể mua đến 100 tấn gạo. Còn bây giờ, có khi đứng ngóng cả buổi cũng không thấy ghe gạo nào ngoài sông”, ông kể.

Thực ra, lúa, gạo vẫn có, dù không dồi dào. Chạy dọc theo tuyến kênh Một Ngàn thuộc địa phận huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, lác đác vẫn thấy ghe thương lái chất đầy lúa vừa mua được. Tuy nhiên, một số kho gạo lớn đã chấp nhận nâng giá lên đôi chút do đã lỡ ký hợp đồng cung ứng cho một số doanh nghiệp, mua chặn hết khiến nhiều kho gạo ở vùng ngoài, nằm ven lộ Vòng Cung, thuộc xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), phường An Bình, quận Ninh Kiều... “đói” lúa, gạo.

“Đúng là có tình trạng một số nông dân chưa muốn bán lúa vội”, ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ), thừa nhận. Ông nói, nếu không kể lượng lúa bao tiêu thì lượng lúa mua được bên ngoài của công ty chỉ đạt 200 - 250 tấn/ngày. Chính vì vậy, giá lúa thường hiện đã lên trên dưới 4.500 đồng/ki lô gam và chỉ trong vòng khoảng hai tuần giá gạo nguyên liệu đã tăng từ 5.100 đồng lên 5.600 đồng/ki lô gam.

Ông Nguyễn Văn Hài, nông dân ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai (Cần Thơ), cho biết những ngày qua chỉ có những nông dân túng tiền hoặc bị “siết” nợ vật tư nông nghiệp, tiền vay ngân hàng,... mới bán lúa ngay sau khi thu hoạch. Còn lại khoảng 50% nông dân trong khu vực của ông quyết định trữ lúa lại, chờ giá lên. “Nghe nói đầu ra xuất khẩu năm nay khá tốt, nên nhiều nông dân dự đoán giá sẽ lên tiếp và trữ lúa”, ông nói.

Có nên trữ lúa?

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ra công văn số 48/CV/HH, thông báo chỉ nhận đăng ký những hợp đồng xuất khẩu có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9 -2009. Một số ý kiến cho rằng, đây là động thái nhằm cân đối lại đầu ra xuất khẩu, giúp doanh nghiệp chú tâm vào những hợp đồng đã ký mà không bị rơi vào tình trạng phải tranh mua nguyên liệu, đẩy giá lương thực lên cao. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong hai tháng đầu năm đã tăng 1,49%, khiến nhiều người cũng tin rằng, khi nông dân được đảm bảo lợi nhuận thì lương thực sẽ là mặt hàng được “bình ổn giá”, tránh lạm phát.

Nhưng nếu đúng như vậy thì phải chăng chủ trương của VFA đưa ra hơi muộn? Bởi tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu với tổng số lượng lên đến 3,7 triệu tấn gạo nhưng mới xuất khoảng 1 triệu tấn và còn phải giao cho đến tháng 6 thêm khoảng 2,4 triệu tấn. Trước mắt, ngay trong tháng 3 này, các doanh nghiệp đã phải xuất 0,8 triệu tấn! Như vậy khan hiếm nguyên liệu, ít nhất ngay trong tháng này sẽ là khó tránh?

Nhưng thực tế chưa hẳn đã vậy. Bởi hồi cuối tháng 1-2009, các doanh nghiệp vẫn còn tồn kho khoảng 0,8 triệu tấn và có thể vẫn chưa sử dụng hết, vì trong tháng 2 vừa qua, lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt khoảng 0,7 triệu tấn. Như vậy, cộng thêm lượng lúa, gạo mua thêm trong thời gian qua thì số gạo phải xuất trong tháng này chưa hẳn đã khiến các doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Nếu có, chỉ là khan hiếm cục bộ, rơi vào một số doanh nghiệp không chủ động chân hàng. Chủ một kho gạo ở phường An Bình thừa nhận, chỉ một số ít doanh nghiệp nóng lòng thu mua, còn lại phần lớn vẫn thủng thẳng chứ không chấp nhận nhích giá lên.

Doanh nghiệp có cái lý riêng để không nâng giá mua lúa, gạo lên cao vì những hợp đồng đã ký vừa qua, bình quân giá chỉ dao động ở mức 430 đô la Mỹ/tấn, thậm chí chỉ 370 đô la Mỹ/tấn. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL phân tích: “Hợp đồng ký với giá 430 đô la Mỹ/tấn thì nếu mua nguyên liệu với giá 5.600 đồng/ki lô gam, doanh nghiệp mới có thể thu lãi đôi chút”. Với giá gạo nguyên liệu 5.600 đồng/ki lô gam, cộng thêm các khâu chế biến, đóng gói... thì gạo thành phẩm đã ở mức 6.800 đồng/ki lô gam. Do đó, giá gạo thành phẩm những ngày gần đây có lúc lên tới 7.100 đồng/ki lô gam khó được nhiều doanh nghiệp chấp nhận.

Trong khi đó, với giá lúa 4.500 đồng/ki lô gam như hiện nay, nông dân đã thu lãi khá lớn. Nông dân Nguyễn Văn Hài thừa nhận, chỉ cần giá lúa đạt 4.200 đồng/ki lô gam thì mức lãi bình quân của nông dân đã từ 1,8-1,9 triệu đồng/công. Do vậy, những ngày tới, nhiều nông dân sẽ phải bán lúa trữ bởi không còn khả năng xoay xở cho vụ hè thu tới, nhất là khi vụ lúa trước họ đã khá “mệt mỏi” vì giá thấp, khó bán...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp chủ động nguyên liệu trong những tháng tới, VFA đang có định hướng để doanh nghiệp đàm phán, giãn thời hạn giao hàng. Và trong những hợp đồng đã ký trước đây, không loại trừ một số trường hợp đăng ký hợp đồng “ảo” nhằm xí phần cũng có thể được VFA rà soát lại, tránh cơn sốt ảo về nguyên liệu. Do đó, nhiều người dự đoán, giá lúa, gạo sẽ khó lòng tăng tiếp, dù cũng khó xuống thấp. Như vậy, nông dân trữ lúa lại cũng ít hy vọng được mức giá cao như mong muốn.





Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường