Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghèo được hỗ trợ mọi chi phí đi XKLĐ
17 | 03 | 2009
NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và làm thủ tục trước khi đi XKLĐ, một quan chức Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ cho vay toàn bộ chi phí để lao động hoàn thiện thủ tục xuất cảnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khẳng định với PV, gói hỗ trợ ba nghìn tỷ đồng để đẩy mạnh XKLĐ của Chính phủ cho 61 huyện nghèo sẽ sớm được triển khai.

Để giúp đỡ ba huyện miền núi phía tây Thanh Hóa (Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh), trong khi chờ triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với 61 huyện nghèo, Cty Cổ phần Dịch vụ & Thương mại Hàng không (Airseco) cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại cho lao động đến khi xuất cảnh sang Dubai.

Ông Nguyễn Xuân Vui - Chủ tịch HĐQT - Tổng GĐ Airseco cho biết, Cty sẽ đào tạo lao động nghề hàn công nghệ cao, thợ xây đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của đối tác để đưa sang Dubai. Trường hợp không may NLĐ mất việc, Cty sẽ trả lại toàn bộ chi phí.

Ông Nguyễn Quang Khai - Đại sứ Việt Nam tại UAE, cũng cho hay, UAE, đặc biệt Dubai, đang có nhu cầu rất lớn lao động có nghề. Nếu lao động của ta có tay nghề tốt, được tuyển chọn từ các đơn vị uy tín, chắc chắn họ sẽ tiếp nhận với số lượng lớn.

Ông Khai khẳng định, sau chuyến thăm của Thủ tướng tại UAE và Qatar, cơ hội việc làm lớn đang mở ra với lao động Việt Nam; điều quan trọng là chúng ta phải có phương án tuyển chọn, đào tạo lao động tốt trước khi đưa sang hai nước này.

Nhu cầu rất lớn

Ngay sau chuyến thăm UAE và Qatar của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH cùng Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khảo sát nhiều huyện nghèo trong cả nước, thấy số lao động nghèo muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) rất lớn, nếu họ được hỗ trợ toàn bộ chi phí trước khi đi.

Trong số bảy huyện nghèo của Thanh Hóa, Quan Sơn được coi là khó khăn nhất. Tại Quan Sơn, tỷ lệ đói, nghèo chiếm 52,3 phần trăm tổng số dân toàn huyện, thu nhập bình quân chỉ hơn năm triệu đồng/người/năm.

Đang có gần 19 nghìn người trong độ tuổi lao động, nhưng số người có việc làm rất ít. Mỗi năm, Quan Sơn chỉ có 100-200 người đi XKLĐ, theo Bí thư Huyện ủy Quan Sơn- Phạm Bá Diệm.

Giống như Quan Sơn, Bá Thước có lực lượng lao động dồi dào (hơn 40 nghìn người) nhưng chỉ một nửa có việc làm ổn định. Huyện Lang Chánh, khó khăn hơn khi có gần 49 nghìn khẩu, trong đó lao động dôi dư rất lớn.

Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - Hà Chí Phẩn cho rằng, nếu lao động nghèo tại các huyện tây Thanh Hóa được hỗ trợ toàn bộ chi phí trước khi đi XKLĐ thì chắc chắn sẽ thoát nghèo.



Nguồn: Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường