Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thiếu cách cứu DN
25 | 03 | 2009
TS Nguyễn Quang Thuật - TGĐ TCty Đầu tư - XNK FOODINCO tâm sự với PV NNVN:

Là một DN kinh doanh nông sản, phân bón, cũng như rất nhiều DN ở các ngành nghề khác, chúng tôi rất phấn khởi được biết Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 về hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các DN, cá nhân vay vốn ngân hàng để SXKD. Tuy nhiên, nhiều NHTM mới chỉ hỗ trợ lãi suất đối với những hợp đồng vay mới từ sau ngày 1/2/2009, chứ không áp dụng các hợp đồng vay vốn vẫn còn hiệu lực ký trước thời điểm này.

Đây là sự thiếu công bằng. Trước đây, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương tăng lãi suất thì nhiều NHTM yêu cầu DN điều chỉnh tăng, nay có chủ trương giảm lãi suất thì những hợp đồng trước đó lại không được giảm hoặc có ngân hàng chỉ giảm một phần. Đặc biệt là các hợp đồng ký năm 2008 phải chịu lãi suất cao “ngất ngưởng”. Vì vậy chúng tôi xin được kiến nghị:

1/ Trên cơ sở chủ trương của Chính phủ và của NHNN đã có, đề nghị NHNN có cơ chế cho các NHTM thống nhất đưa về mức lãi suất mới cho cả hợp đồng vay vốn mới và các hợp đồng vay vốn trước ngày 1/2/2009 nhưng chưa đến hạn trả nợ thì cũng được điều chỉnh xuống mức lãi suất mới và được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm.

Thực tế cho thấy 8 giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát được triển khai trong năm 2008 là một liều thuốc hữu hiệu đối với nền kinh tế, tuy nhiên, nó lại gây ra “phản ứng phụ” không tránh khỏi mà DN lại là người phải hứng chịu. Khi lãi suất cơ bản là 14%/năm theo đó lãi vay lên tới 21%/năm, không những thế một số NHTM còn cộng thêm một loạt các chi phí làm đẩy lãi suất cá biệt lên tới 25%/năm. Vì vậy, lúc này DN rất cần sự hỗ trợ để giảm lãi suất vay từ hậu quả của cuộc chạy đua lãi suất từ giữa năm 2008.

2/ Chính phủ hỗ trợ DN 50% tổng lãi vay phải trả ngân hàng 6 tháng cuối năm 2008 hoặc Chính phủ cho cơ chế hỗ trợ bằng cách 6 tháng cuối năm 2008 DN nào vay quá mức 10%/năm thì Nhà nước bù lãi suất cho NHTM để NHTM “trả lại” DN, tạo cho DN cái phao để vươn lên.

Đề nghị Nhà nước giảm thuế VAT đối với DN trong năm 2009 thay bằng việc giảm 30% thuế TNDN được áp dụng trong quý IV/2008. Bởi chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ DN khó khăn để vươn lên chứ đâu có hỗ trợ DN giàu mạnh vì quý IV/2008 cũng chính là giai đoạn nền kinh tế bước vào thời kỳ khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, giá cả trượt dốc các DN lại phải chịu lãi vay cao nên thua lỗ nhiều chứ có mấy DN có lãi để được hưởng ân huệ giảm thuế TNDN. Vì vậy, xin kiến nghị:

3/ Chính phủ xem xét miễn, giảm thuế VAT đối với DN trong tình hình hiện nay sẽ thiết thực hơn. Đồng thời đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM có cơ chế cho vay phù hợp và linh hoạt để các DN được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay vì hiện nay các món vay được hỗ trợ lãi suất đang thực hiện theo phương thức hậu kiểm nên mất nhiều thời gian cho cả ngân hàng và DN.

Các kiến nghị đều liên quan đến các giải pháp điều hành vĩ mô trong tình hình nóng bỏng hiện nay nhưng càng khó khăn khi phải cân đối đến nguồn ngân sách. Nếu trong điều kiện ngân sách khó khăn chúng tôi đề nghị:

4/ Đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh lại mức lãi vay cơ bản từ 7%/năm xuống còn 5%/năm và như vậy biên độ dao động của các NHTM cho vay chỉ tối đa 5% x 150% bằng 7,5%/năm. Việc này có thể liên quan đến nhiều vấn đề cân đối vĩ mô khác, tuy nhiên mức cho vay này vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước, làm cho các DN Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh với các đối tác nước ngoài. Nếu giải quyết mức lãi trần 7,5%/năm như trên thì Nhà nước chỉ còn bù lãi vay cho DN qua ngân hàng 2%, còn 2% sẽ sử dụng cho các giải pháp kiến nghị nêu trên.

Chúng tôi hy vọng các đề xuất trên đây sẽ góp phần cứu nguy được nhiều DN vươn lên khôi phục SXKD, đồng thời cũng cứu nguy cho một số ngân hàng có DN nợ đang gặp khó khăn không trả được.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường