Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thêm một kịch bản tăng trưởng 2009: 4%
27 | 03 | 2009
Động lực tăng trưởng biến thành động lực suy thoái

TS Mia Mikic, Vụ Thương mại và đầu tư (ESCAP) cho biết, ba cuộc khủng hoảng toàn cầu là: Khủng hoảng tài chính gia tăng nhanh chóng và chưa có điểm dừng; các cú sốc về giá lương thực và nhiên liệu; thách thức về biến đổi khí hậu.

Ba cuộc khủng hoảng này có những tác động tổng hợp, liên đới với nhau và gây ra sự bế tắc về chính sách nếu không được giải quyết ổn thỏa có thể dẫn đến các làn sóng khủng hoảng mới.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên ảm đạm buộc các quốc gia phải áp dụng các chính sách bảo hộ mang tính hướng nội nhiều hơn. Do vậy, biện pháp cấp cứu và đã thực sự phát huy hiệu quả trong năm 2008 là đẩy mạnh XK, giờ đây không còn hiệu nghiệm.

TS Mia Mikic cho rằng, đối với những nước coi XK là động lực để phát triển nhanh thì giờ đây nó cũng là động lực của suy thoái.

“Chính phủ không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động mang tính chất thương mại, mà chỉ tác động đến những vấn đề chi tiêu đầu tư công. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội”. - TS Phạm Lan Hương.

Một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài thì sẽ bị tổn thương lớn hơn khi kinh tế thế giới biến động. Nếu các chính sách mở rộng về tiền tệ và ngân sách mà các nước đưa ra không có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước thì có thể xảy ra tâm lý sợ mạo hiểm và mất lòng tin. Khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục cắt giảm việc cung cấp tín dụng, cùng với tâm lý lo ngại Chính phủ không có điều kiện để tài trợ các khoản kích cầu với quy mô ngày càng lớn và nợ công ngày càng tăng.

 

Đây là mối đe dọa sự ổn định kinh tế trong tương lai.

Về tình hình VN được nêu trong báo cáo của ESCAP, TS Phạm Lan Hương, Phó trưởng Ban nghiên cức chính sách hội nhập (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) cho biết, XK của VN ngày càng phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn trên thế giới. Nếu như năm 1995, ASEAN là thị trường lớn nhất của VN, thì đến nay Hoa Kỳ đã trở thành thị trường lớn nhất, thứ hai là EU. Chính vì vậy, cuộc suy thoái kinh tế khởi nguồn từ Mỹ ảnh hướng lớn đến VN.

Tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào thương mại bởi kim ngạch XNK đã bằng gần 170% GDP. Cùng với đó, thâm hụt thương mại ngày càng có xu hướng tăng lên, trong đó năm 2008 chúng ta đã nhập siêu quá lớn. Quý I/2009, chúng ta xuất siêu nhưng thực tế không phải nền kinh tế chúng ta mạnh.

“Không phải chúng ta XK được nhiều những mặt hàng chúng ta SX ra, mà chủ yếu là chúng ta tái xuất vàng. Đây không phải là điều gì đáng để tự hào” - TS Hương nói.

VN phải làm gì?

ESCAP nhận định, tăng trưởng GDP của VN còn có xu hướng đi xuống tiếp nữa. Năm 2009 dự kiến đạt mức 4%. TS Mia Mikic cho rằng, mặc dù kinh tế thế giới giảm sút nhưng châu Á - TBD vẫn là nguồn tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

“Với nguồn ngân sách hạn hẹp thì VN phải có sự lựa chọn đầu tư thông minh, chứ không phải đầu tư tràn lan. Phải sử dụng công quỹ một cách có chọn lọc với mục tiêu cắt giảm mức độ thâm hụt ngân sách đang gia tăng” - TS Mia Mikic.

Đối với VN, cần phải tính toán để cân bằng cán cân thương mại trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu giảm. Về thách thức từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng cũng là cơ hội để xem xét lại cơ cấu kinh tế, hành vi đối với môi trường để đảm bảo chính sách phát triển bền vững.

 

TS Hương cho biết, Chính phủ VN đã đưa ra hai gói kích cầu. Lần thứ nhất trị giá 17 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2% GDP) để hỗ trợ lãi suất. Gói kích cầu thứ hai lớn hơn nhiều với trị giá 300 nghìn tỷ (21% GDP) dành cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế tạo và XK cũng như các dự án hỗ trợ an sinh XH. Tỷ lệ nguồn vốn của gói kích cầu là: 40% từ trái phiếu Chính phủ, 30% là ngân sách, 17% từ miễn giảm thuế, 11% từ hỗ trợ lãi suất, mảng đầu tư cho an sinh xã hội chỉ chiếm 2%.

Tuy nhiên, vấn đề cần tính tới là hiệu quả kích cầu và tỷ lệ bội chi ngân sách. Trong nhiều năm qua, thậm hụt ngân sách của VN chỉ dưới 5% GDP. Nhưng nếu chúng ta cộng thêm những khoản chi ngoài ngân sách thì thâm hụt đã lên tới gần 10%. Mức thâm hụt này là tương đối lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, cụ thể là khả năng trả nợ. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách để nguồn vốn được sử dụng một cách hiệu quả. Đầu tư để phát triển dài hạn, bền vững, đầu tư giải quyết vấn đề lương thực một cách có hiệu quả, giải quyết cân đối giữa nhu cầu lương thực trong nước và XK.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường