Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất... dẻo dai!
27 | 03 | 2009
Dù khó khăn nhưng năm 2008 vẫn có 65,3 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ được khai sinh, cao hơn cả năm 2007.

Trước những khó khăn về kinh tế thì đối tượng bị tác động nhiều nhất chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Tuy nhiên, một điểm khá nổi bật là càng khó khăn thì nhiều SME trong nước càng chứng tỏ được bản lĩnh, tài ứng biến của mình.

Kinh tế suy thoái, 80% SME vẫn sinh lợi

Hôm qua (26-3), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết năm 2008, bình quân một quý có 7.700 SME ngừng hoạt động kinh doanh thì trong quý I-2009 chỉ có hơn 2.500 SME.

Từ năm 1991 đến nay, cả nước có 379 ngàn SME đã đăng ký, trong đó có 303.500 doanh nghiệp (DN) đang thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Điều đó cho thấy kể cả khi kinh tế suy thoái vẫn có gần 80% SME kinh doanh có lợi nhuận để nộp thuế. Trong khi đó, SME thuộc các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), sau hai năm hoạt động, số DN thực hiện nghĩa vụ thuế chỉ còn 60%-70% so với các DN đăng ký kinh doanh; sau bảy năm chỉ còn 40%-50%.

Mặc dù tình hình kinh tế hết sức khó khăn nhưng năm 2008 vẫn có 65,3 ngàn SME được khai sinh, cao hơn cả năm 2007. Riêng hai tháng đầu năm nay cũng có 10,5 ngàn SME ra đời. Điều này cho thấy DN vẫn tin vào thay đổi về cải cách hành chính từ phía nhà nước. Ngoài ra, các giải pháp kích cầu như bù 4% lãi suất cho vay đã bắt đầu phát huy tác dụng hỗ trợ DN rất lớn.

Ít bị tác động vì ít quan hệ với ngân hàng

Tại Việt Nam chỉ có khoảng 50% SME có quan hệ với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, số còn lại huy động vốn từ anh em, bạn bè, người thân. Đây có thể là lý do khiến các SME trong nước chịu tác động của khủng hoảng ít hơn so với các DN nước ngoài.

Ông Trung cho biết đến thời điểm này có thể nhận định “sức khỏe” SME trong nước rất dẻo dai. “Trước tình hình khó khăn, tại các SME trong nước có nhiều trường hợp lương tháng công nhân trước đây là ba triệu đồng nhưng nay chỉ còn 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, họ vẫn vui vẻ ở lại chia sẻ khó khăn với DN. Nếu như ở nước ngoài, nếu DN trả lương quá thấp do khó khăn thì người lao động có thể tìm một nơi khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc DN có nguy cơ bị phá sản” - ông Trung dẫn chứng.

Thay đổi tiêu chí hỗ trợ SME

Để hoàn thiện khung pháp lý cho SME, một dự thảo nghị định thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp SME phát triển đã được trình Chính phủ. Dự kiến dự thảo sẽ ban hành trong tháng 4 tới.

Điểm mới nhất trong dự thảo này là định nghĩa về SME đã thay đổi khi không quy định vốn đăng ký kinh doanh dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động nữa. Tiêu chí về vốn đăng ký sẽ được thay thế bằng tổng tài sản của DN gồm mặt bằng, nhà xưởng, thiết bị máy móc... Bởi thực tế số vốn đăng ký kinh doanh chỉ phản ánh chủ yếu ở trách nhiệm pháp lý trên thương trường chứ không phản ánh được đúng quy mô của DN. Ngoài ra, quy định số vốn chung cho tất cả ngành nghề sẽ được sửa đổi theo từng ngành nghề. Về tiêu chí lao động vẫn giữ mức dưới 300 lao động nhưng cũng quy định thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Theo ông Trung, để hỗ trợ cho DN, dự thảo cũng nhấn mạnh việc địa phương dành quỹ đất cho các SME. Hiện nay có một số địa phương vẫn làm nhưng có một thực tế là SME trong nước không dễ dàng trong việc tiếp cận quỹ đất để kinh doanh.

Đặc biệt, dự thảo cũng yêu cầu trong kế hoạch hàng năm, cơ quan công quyền phải quan tâm hơn nữa đối với SME. Theo đó, Chính phủ phải thể hiện thái độ nhất quán, tạo điều kiện để cho khu vực tư tham gia trong khu vực công để tạo thêm công ăn việc làm, ổn định xã hội. “Ở các nước như Mỹ, Nhật, Pháp..., trong mua sắm, chi tiêu của cơ quan công quyền đều dành một tỷ lệ cho các SME tham gia, ví dụ như mua sắm xe công, dịch vụ bảo vệ...” - ông Trung cho biết.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường