Về vấn đề tích tụ ruộng đất nhằm định hướng mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp trong dự thảo nghị định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) soạn thảo (Báo Pháp Luật TP.HCM các số trước đã phản ánh), GS Đào Công Tiến (ảnh), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nguyên thành viên Ban nghiên cứu chiến lược Chính phủ, lại có cái nhìn khác. Theo ông, khi khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp sẽ diễn ra hai xu thế là tích tụ và tập trung đất đai. Tích tụ đất đai là cá nhân hoặc công ty có nhiều diện tích đất thông qua chuyển nhượng. Còn tập trung đất đai là việc một người hoặc công ty nông nghiệp thuê đất của nhiều người hay tập trung bằng hình thức nhận góp vốn bằng đất của các cổ đông.
Nên xóa hạn điền, mở rộng thời hạn sử dụng đất
Theo GS Tiến, việc tập trung hay tích tụ ruộng đất trong nội bộ nông dân đã diễn ra từ lâu và là quy luật tất yếu nhưng chưa được nhà nước quan tâm đúng mức. Đất đai là tư liệu sản xuất của nông dân, cũng như cái cày, con trâu... hợp thành trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nông dân phải được sở hữu giá trị của ruộng đất như sở hữu các loại tư liệu sản xuất khác vì sự phát triển của xã hội và tuân theo tác động quy luật thị trường. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lộ trình sẽ diễn ra là nông dân chỉ còn lại khoảng 5%.
Khi đã khuyến khích mở rộng sản xuất thì không nên giới hạn theo định mức đất (hạn điền). Đặt ra hạn điền sẽ khiến nông dân cần có thêm đất để mở rộng sản xuất thì bị khoanh lại trong giới hạn một số diện tích nào đó là nghịch lý. Việc giới hạn thời hạn sử dụng đất cũng không cần thiết. Đã đầu tư để sản xuất mà bị khống chế thời hạn được sử dụng đất sẽ ràng buộc nhà đầu tư. GS Tiến cho rằng nên dễ dàng chấp nhận bỏ hạn điền và không giới hạn thời hạn sử dụng đất.
Để phát triển các công ty trong nông nghiệp cần cởi trói cho những nông dân có kinh nghiệm, có trình độ quản lý và có ý chí đầu tư. Nông dân sẽ tự định liệu việc cần bao nhiêu diện tích phù hợp với trình độ quản lý và điều kiện sản xuất. “Nông dân được nhà nước giao không đất nông nghiệp có thể bỏ hoang do nhiều nguyên nhân. Nhưng sẽ không có nông dân, hợp tác xã hay công ty nông nghiệp bỏ tiền mua đất nông nghiệp mà không có kế hoạch sản xuất rồi để đất trống” - GS Tiến nhận định.
Chưa có mầm mống phát canh thu tô
“Phát canh thu tô là từ kinh tế chính trị học, dùng để chỉ hình thức bóc lột của địa chủ đối với nông dân. Hình thức này chỉ tồn tại trong sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún” - ông Tiến giải thích. Thực tiễn cho thấy sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ hiện nay chưa hề mang lại nhiều hiệu quả. Người thuê đất sản xuất cũng chỉ lấy công làm lời, chưa sinh lợi lớn. Do vậy mà thực tế đang diễn ra việc nông dân thuê đất sản xuất nông nghiệp chỉ là những trường hợp cá biệt, chưa có mầm mống phát canh thu tô.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, vấn đề đa dạng hàng hóa, sản phẩm đã và đang được đặt ra. Vì mục tiêu đáp ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường mà một công ty nông nghiệp cần phải có một diện tích sản xuất nhất định để đầu tư máy móc, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng phù hợp yêu cầu khách hàng và phải có một lực lượng lao động tối thiểu. Như vậy, vấn đề sản phẩm hàng hóa nông nghiệp là yếu tố đầu tiên chứ không phải mục tiêu tích tụ hay tập trung đất đai để phát canh thu tô.
GS Tiến đề nghị nhà nước nên khuyến khích các hình thức tập trung đất đai để mọi nông dân đều còn quyền sử dụng đất sẽ ngăn chặn tình trạng phát canh thu tô. “Phát canh thu tô chỉ có thể biến tướng, diễn ra trong tích tụ ruộng đất nên cần có cơ chế, chính sách quản lý phù hợp” - ông nói.
Đẩy mạnh dịch vụ, xuất khẩu lao động
Quá trình tích tụ hoặc tập trung đất đai sẽ làm cho nhiều nông dân mất đất. Đặc biệt là việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp với đầu tư tiến bộ kỹ thuật hiện đại sẽ không có nhu cầu lớn về lao động như sản xuất nông nghiệp truyền thống. Quá trình này đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nông dân mất việc làm.
Theo GS Tiến, để giải quyết việc làm, cuộc sống, dân sinh cho nông dân mất đất, mất việc làm thì việc tích tụ hoặc tập trung đất đai phải gắn với quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ. Khi đó, khu vực dịch vụ sẽ thu hút lực lượng không có đất sản xuất. Tập trung ruộng đất là hướng đi đúng nhưng giải quyết lao động, việc làm phải có kế hoạch căn cơ đưa công nghiệp, dịch vụ về nông thôn và đào tạo nghề cho nông dân kết hợp với xuất khẩu lao động.