Xin ông cho biết khủng hoảng ảnh hưởng thế nào tình hình xuất khẩu quý I/2009?
Từ cuối 2008 đến mấy tháng đầu năm nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Sức mua trên thị trường quốc tế giảm kéo giá cả hàng hóa giảm theo. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng và ký kết các hợp đồng.
Vì thế, quý I năm nay, tăng trưởng xuất khẩu đã không đạt được mức đề ra dù là có xuất siêu. Nhưng xuất siêu là do các mặt hàng không truyền thống góp vào.
Không có chuyện dừng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm số lượng gạo xuất khẩu đã vượt gấp đôi lượng và giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Hiện số lượng hợp đồng đã ký vượt quá khả năng cung cấp của vụ đông xuân. Giá gạo đã mang đến lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân. Do đó, không có chuyện dừng xuất khẩu gạo như báo chí đưa tin. Thực tế chỉ là ngừng để rà soát lại các hợp đồng có mức giá phù hợp, đề nghị các doanh nghiệp đàm phán giãn thời hạn giao hàng với những hợp đồng chưa có điều kiện thanh toán ngay và khách hàng có nhu cầu ngay. Lý do là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các đối tượng và thành phần tham gia trong đó có lợi ích nông dân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, mức suy giảm xuất khẩu của Việt Nam không mạnh như các nước trong khu vực và thế giới.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có những chính sách tháo gỡ thế nào, thưa ông?
Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 và một loạt thông tư, quyết định theo hướng ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu. Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, lãi suất thấp, đặc biệt vốn vay ưu đãi hỗ trợ 4%..
Riêng Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách, giải pháp cấp bách và quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác thị trường ngoài nước và đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) gắn với nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu.
Ông có thể cho biết rõ hơn những giải pháp cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay?
Hiện chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ xuất phát từ các quy định trước đây đồng thời đang trình Chính phủ sửa đổi bổ sung, quyết định 279 về chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2006-2010.
Hướng sửa đối là tạo thụân lợi tối đa cho doanh nghiệp được tiếp cận các chương trình XTTM tại thị trường ngoài nước cũng như mời các doanh nghiệp nước ngoài vào khảo sát, giao thương tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tới doanh nghiệp các ưu đãi, lợi thế từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã và đang ký kết như Hiệp định tự do trong nội khối ASEAN, Hiệp định giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ hiểu và tận dụng được các lợi ích, ưu đãi từ các định chế đã ký.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang có những thuận lợi nhất định về chi phí đầu vào. Hiện giá cả đầu vào sản xuất đang ở mức thấp, nguồn nhân lực không quá khó khăn như trước, điện đến giờ phút này không đến nỗi thiếu như những năm vừa qua...
Tôi cho là các chính sách của Chính phủ hiện nay đang tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Được biết, Bộ Công Thương đã có kiến nghị về xin cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đầu vào tranh thủ cơ hội giá thế giới giảm. Ông có thể cho biết khi nào cơ chế đó sẽ được ban hành?
Bộ Công Thương đã có kế hoạch đó từ đầu năm nhưng để ra được cơ chế cụ thể phải thành lập đoàn đi ra nước ngoài khảo sát, nắm bắt tình hình thị trường. Dự kiến trong tháng 4-5/2009 sẽ có đoàn đi, khi về sẽ sớm xây dựng cơ chế này.
Xin cảm ơn ông!