Thị trường thức ăn chăn nuôi (TACN) dường như hạ nhiệt vào cuối năm 2008, nhờ hầu hết giá nguyên liệu nhập khẩu giảm nhanh. Thế nhưng đến tháng 2/2009, nhiều Cty đã tăng giá bán TACN. So với các nước trong khu vực, mặt bằng giá bán TACN nước ta vẫn còn cao. Chủ tịch Hiệp hội TACN cho biết, ngành TACN Việt Nam đang vấp phải một loạt những khó khăn như giá nguyên liệu tăng, bán hàng trả chậm, nợ đọng hàng nghìn tỷ đồng, lãi suất ngân hàng cao. Hiện tại, 49-55% giá trị nguyên liệu chế biến TACN phải nhập khẩu. Đặc biệt những nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 100%, năm 2008 nhập 2 triệu tấn. Giá khô dầu đậu tương trên thị trường thế giới diễn biến rất thất thường, tháng 7/208 tăng cao kỷ lục tới 550 USD/tấn, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2007. Đến tháng 11/2008, giá khô dầu lại giảm xuống mức 280 USD/tấn. Vào thời điểm đó, các doanh nghiệp muốn mua nguyên liệu để dự trữ, nhưng thiết chế tài chính lại siết chặt, Nhà nước hạn chế cho doanh nghiệp vay vốn bằng USD, nên hầu hết các doanh nghiệp đã mất đi cơ hội mua được nguyên liệu giá rẻ, mất cơ hội hạ giá mạnh thức ăn chăn nuôi. Giá khô dầu đậu tương lại vọt lên mức 430 USD/tấn vào tháng 2/2009.
Trái ngược với tình hình chng, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp chế biến TACN có vốn đầu tư FDI không những không tăng giá mà còn hạ giá bán TACN, như: Cty Charoen Pokphand (CP), Cty Proconco… Lý giải hiện tượng này, Cty CP cho biết, những doanh nghiệp có vốn lớn, nhất là luôn chủ động được ngoại tệ đã kịp thời nhập khẩu được nguyên liệu vào thời điểm giá bán xuống thấp cực điểm vào tháng 11/2008, nguyên liệu tích trữ đủ cho sản xuất cả năm 2009. Bởi vậy, họ có đủ điều kiện để hạ giá bán sản phẩm. Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp chế biến TACN nào trường vốn và có công nghệ cao thì sẽ lãi lớn, những doanh nghiệp nhỏ và trình độ sản xuất lạc hậu sẽ pahỉ phá sản.
Một trong những yếu tố khiến giá bán TACN ở nước ta luôn cao ngất ngưởng, là do chi phí trung gian quá lớn, đặc biệt là chiết khấu cho các đại lý bán hàng. Chiết khấu trả cho các đại lý TACN thường chiếm khoảng 3-10% giá bán. Doanh nghiệp càng lớn và uy tín cao thì chiết khấu trả cho đại lý càng thấp. Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ và sản phẩm kém chất lượng muốn bán được sản phẩm thì phải trả hoa hồng cao cho đại lý, nhất là những doanh nghiệp vô danh sản xuất bằng công nghệ “xúc xẻng” sẵn sàng chi bao tay tới 20%.
Tại Hội thảo “Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời kỳ khủng hoảng”, ông M.Schuring (Tập đoàn Trow Nutrition) nhận định, ở châu Á hiên nay chỉ 3 nước có tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn mạnh nhất. Tuy Việt Nam chưa xuất khẩu được thịt lợn, nhưng nếu Việt Nam có các chính sách tốt đối với ngành chăn nuôi, sẽ có đủ cơ hội để trở thành cường quốc xuất khẩu thịt lợn. Việt nam có số lượng người tham gia chăn nuôi rất đông, với tình hình chăn nuôi đang phát triển mạnh như hiện nay, chỉ vài ba năm nữa Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan về sản lượng thịt lợn. Trung Quốc là nước xuất khẩu thịt lợn đứng đầu thế giới, nhưng hiện nay nước này đang rất mất uy tín về an toàn thực phẩm. Vì vậy, Việt Nam phải dành cơ hội xuất khẩu thịt lợn bằng cách tạo thương hiệu về chất lượng thịt. Điểm yếu lớn nhất đối với chăn nuôi Việt Nam là giá thành còn cao, mà nguyên nhân chính là TACN còn kém chất lượng và giá bán cao. Vì vậy, Việt Nam cần đầu tư nâng cao công nghệ chế biến TACN.