Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh long Việt Nam vào Đài Loan khó khăn
02 | 04 | 2009
Bình Thuận và các cơ quan có trách nhiệm đang tích cực đàm phán để đưa thanh long xuất khẩu lại thị trường lớn nhất là Đài Loan, sau lệnh cấm do Đài Loan áp dụng cách đây 1 tháng.

Lý do của quyết định cấm nói trên, được áp dụng từ ngày 1-3-2009, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan là phía Đài Loan đã sửa đổi quy định về kiểm dịch, cấm nhập quả tươi từ các nơi là vùng dịch của ruồi đục quả.


Đài Loan đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia có dịch này, cùng với Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Tuy nhiên, qua Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, phía Đài Loan hứa sẽ xem xét tình hình cụ thể sau khi nhận được những tài liệu bổ sung về các biện pháp xử lý ruồi đục quả mà phía Việt Nam chuyển qua.

Đài Loan là thị trường nhập khẩu thanh long rất lớn (kim ngạch nhập khẩu trái này năm 2008 là 90 triệu đô la Mỹ)và cũng là thị trường xuất khẩu trái này lớn nhất cho phía Việt Nam.


Trước khi có lệnh cấm nói trên, 80% thị phần xuất khẩu của trái thanh long Việt Nam vào châu Á là hướng đến thị trường Đài Loan (13,6 triệu đô la Mỹ), một phần nhỏ khác ở các thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp xử lý hồ sơ, tài liệu về diện tích vùng sản xuất, quy trình sản xuất thanh long an toàn, quy trình phòng ngừa và xử lý ruồi đục quả trên thanh long để thuyết phục phía Đài Loan xem xét hoặc tạm hoãn lệnh cấm nói trên.

Ở các thị trường khác, trái thanh long Việt Nam cũng đang gặp khó trong việc thâm nhập. Như thị trường Mỹ, yêu cầu chiếu xạ bắt buộc với cường độ chiếu xạ được phía Mỹ cho phép hiện nay tối thiểu 400 Gy là thông số quá cao, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng và thời hạn bảo quản trái thanh long.

Khó hơn nữa, phía Mỹ mới chỉ cấp phép cho duy nhất một công ty của Việt Nam là Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Sơn Sơn có máy chiếu xạ đáp ứng tiêu chuẩn vào đây nên các doanh nghiệp xuất khẩu đã rất khó khăn khi chiếc máy này gặp trục trặc.


Cả tỉnh Bình Thuận cũng chỉ có ba cơ sở đóng gói được phía Mỹ chấp thuận quy trình an toàn đối với côn trùng gây hại và cấp mã số (code) nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào đây.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng tính đến phương án đưa thanh long đến thị trường Nhật Bản, nhưng phía Nhật Bản đòi hỏi phải xử lý nhiệt, do vậy muốn xuất khẩu vào đây phải đòi hỏi đầu tư nhà máy xử lý nhiệt trên địa bàn tỉnh.

Bộ Công Thương và tỉnh Bình Thuận đề nghị nhà nước hỗ trợ cho tỉnh đầu tư nhà máy xử lý nhiệt trên địa bàn và đàm phán với Nhật Bản tạm thời chưa áp dụng yêu cầu kỹ thuật trên. Bởi thực tế, áp dụng phương pháp hơi nhiệt này, quả thanh long sẽ bị chín nẫu, khó đưa được đi xa và giá thành đội lên rất cao.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường