Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đơn hàng giảm, các doanh nghiệp đang rất khó khăn
03 | 04 | 2009
Đơn hàng giảm, các doanh nghiệp đang rất khó khăn

Theo Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX – KCN) TPHCM (Hepza), trong tổng số 124 doanh nghiệp (DN) báo cáo tình hình hoạt động của quý I/2009, có đến 76 DN cho biết sản xuất đang gặp khó khăn, trong đó 16 DN thông báo ngừng việc, giảm lao động.

Đơn hàng giảm đến 50% - 70%

Một cán bộ của Hepza cho biết, đơn hàng giảm trung bình khoảng 24,3% và hơn 10 DN đơn hàng giảm đến 50% - 70%. Nhìn vào con số này, tình hình không đến nỗi quá bi đát. Nhưng nếu so sánh với thời điểm giữa năm 2008, thì mức sụt giảm khá cao.

Và, quan trọng hơn là con số này chưa phản ánh đầy đủ được tình hình của 950 DN đang hoạt động tại 15 KCX-KCN trên địa bàn TPHCM. Tính đến thời điểm hiện tại, các DN sản xuất gia công hàng cơ khí chính xác liên quan đến ô tô, hàng điện tử tiêu dùng tại các KCX-KCN gặp khó khăn nhiều nhất.

DN chế biến đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ bắt đầu có đơn hàng, nhưng là đơn hàng từ các thị trường gia công khác chuyển về chứ không phải đơn hàng do nhu cầu thị trường tăng. Ngành may mặc, giày da chỉ một số “đại gia” là có đơn hàng dồi dào, còn lại các DN nhỏ và vừa, cơ sở nhỏ phải thu hẹp sản xuất, mỏi mắt trông chờ đơn hàng.

Theo ông Trần Thiện Tứ, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCX – KCN (HBA), vì nhiều lý do, DN không muốn tiết lộ tình hình sản xuất kinh doanh nên rất khó để thống kê chính xác. Qua thông tin HBA nắm được, trong tháng 4 này, nhiều DN giảm thời gian sản xuất, có những DN phải cho công nhân làm cách nhật (chỉ làm 3-4 ngày/tuần) hoặc nghỉ việc hưởng 70% - 80% lương. Nhiều DN đói đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng mới cho năm 2009.

Nhiều DN 100% vốn Nhật Bản hoặc chuyên gia công cho Nhật Bản, Đài Loan đang “rối như tơ”. Một công ty nhựa 100% vốn Nhật ở KCX Tân Thuận đang phải tính toán lại phương án sản xuất vì khách hàng chính ở Nhật thông báo giảm 50% đơn hàng. Dự đoán được tình hình khó khăn, từ trước Tết, công ty đã thông báo sẽ cắt giảm khoảng 1/3 lao động và khuyến khích công nhân tìm việc khác.

Công ty Toyo Precision (Nhật) chuyên sản xuất linh kiện máy may cũng giảm đến 60% đơn hàng. Tình trạng này khá phổ biến ở các DN vốn 100% Nhật hoặc liên doanh với Nhật. Mới đây, Công ty Sanyo Di Solutions (chuyên sản xuất máy ảnh kỹ thuật số 100% vốn Nhật, ở KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) đã cắt giảm hơn 1.200 lao động và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm.

Hãng thời trang thể thao Nike (Mỹ) đã thông báo ngừng đặt hàng đối với nhà máy sản xuất giày Samho (Củ Chi – TPHCM) trong thời gian từ 6-12 tháng tới và đã bắt đầu cắt giảm 15% - 30% đơn hàng đối với các công ty gia công hàng may mặc tại Việt Nam.

Công ty FNC chuyên sản xuất xe đạp điện và phụ tùng xe máy ở KCN Tân Tạo, đã ngưng sản xuất từ Tết Nguyên đán đến này. Ông Trần Văn Thái, giám đốc công ty, cho biết: Không có đơn đặt hàng đã đành, hàng sản xuất trước đây tồn kho cũng không bán được. 5.000 chiếc xe đạp điện và khoảng 2.000 bộ linh kiện xe gắn máy chất đầy kho nhưng mỗi tuần chỉ bán được vài chục chiếc cho các tỉnh. 200 lao động của công ty giờ chỉ còn lại 20 người... Tình hình này không biết cầm cự đến bao giờ. 

Chưa có dấu hiệu khả quan

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, liệu thời điểm hiện tại có phải là giai đoạn khó khăn nhất của DN hay chưa, hầu hết các DN, hội ngành nghề đều cho rằng “chưa thấy dấu hiệu khả quan” và “không hẳn đây là giai đoạn khó khăn nhất”, hay trả lời chung chung “đến đâu hay đến đó”. Bởi DN trong KCX-KCN sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu – phụ thuộc chủ yếu là nhu cầu thị trường.

Kinh tế thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu hồi phục; sức mua thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật... vẫn tiếp tục giảm. Theo ông Trần Thiện Tứ, mặc dù chưa đến mức phải phá sản nhưng tình hình “sức khỏe” của các DN trong các KCX-KCN đã sút giảm trầm trọng.

Hiện các hội ngành nghề đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như kêu gọi DN tìm kiếm thị trường, chia sẻ đơn hàng, tổ chức học tập kinh nghiệm tại các DN làm ăn tốt... nhưng sự hỗ trợ còn rất hạn chế. Nỗ lực của HBA, Hepza chỉ dừng lại ở việc nắm tình hình, báo cáo UBND TPHCM. Còn DN vẫn phải loay hoay với kế hoạch “tự cứu” mình.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường