Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi, chế biến tôm: Doanh nghiệp mày mò, dân tự "bơi"
08 | 04 | 2009
Con tôm với hơn nửa triệu hécta và cả triệu nông dân nuôi, đã phải nhường ngôi vị khi Chính phủ yêu cầu xây dựng cho con cá tra thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mặc dù diện tích chỉ bằng 1% diện tích tôm.
Theo các doanh nghiệp, giống như chứng khoán, con tôm đến lúc trở lại giá trị thực của mình, và đến lúc phải nhìn thẳng vào đó, để có bài học khi xây dựng chiến lược phát triển cá tra và những sản phẩm thuỷ sản khác.

Nghịch lý

Nếu như năm 1990, cả nước có hơn 93.000ha nuôi tôm, thì đến nay, diện tích này đã vọt lên hơn nửa triệu hécta với cả triệu hộ nông dân nuôi trồng, hình thành nên cả trăm DN chế biến xuất khẩu. Nhưng tại sao con tôm không được chọn làm chủ lực? Không hẳn lý do đang giảm dần giá trị xuất khẩu (quý I/2009, tôm đông lạnh với giá trị xuất khẩu là 181,2 triệu USD, giảm 7,3%) và thị trường (Mỹ giảm 14,9%, Hàn Quốc giảm 8,5%, ASEAN giảm 32%).

Ông Chu Văn An - Phó TGĐ CTCP thủy sản Minh Phú (Cà Mau- DN chế biến xuất khẩu tôm chủ lực của VN) - đã nói thẳng một sự thật nghiệt ngã với Bộ NNPTNT tại một cuộc họp mới đây ở TPHCM: Lâu nay, tôm VN sau khi chế biến, bán ra thế giới ngang bằng với các nước trong khu vực có điều kiện nuôi tôm như nước ta. Thế nhưng, giá đầu vào của các DN chế biến xuất khẩu VN lại cao hơn các DN nước ngoài từ 15.000-30.000 đồng/kg, tương đương 15-30%.
 
"Với giá đầu ra, đầu vào như vậy, thử hỏi Bộ trưởng, làm sao các DN chế biến xuất khẩu VN có lãi, làm sao tồn tại và phát triển được?" - ông An đặt câu hỏi bức xúc này với Bộ trưởng Cao Đức Phát. Oái oăm hơn, giá tôm nguyên liệu VN cao hơn thế giới từ 15-30% nhưng thực tế người dân cũng kêu lỗ, thậm chí "treo" ao đầm.

Tự mày mò

Theo nhiều DN và các chuyên gia thủy sản, có nghịch lý trên, lỗi phần lớn không phải do nông dân có trình độ nuôi thấp hơn. Thậm chí, nông dân ta còn được đánh giá là nắm bắt cái mới nhanh nhạy hơn nông dân nuôi tôm các nước. 

Ở các nước như Thái Lan, Indonesia, việc quy hoạch vùng nuôi trồng rất rõ ràng, hạ tầng giao thông, điện nước cho quy hoạch đó rất bài bản nên người nuôi rất thuận lợi tất cả các khâu nuôi, thu hoạch, chế biến đảm bảo môi trường. Còn ở ta, dân tự đào kênh thoát, kênh cấp nước, đầu lấy nước hộ này là đầu thải của hộ kia dẫn tới dịch bệnh tràn lan, thất thu.

Ở VN, mỗi hộ trung bình chỉ từ 1 đến 3ha đất nuôi tôm. Số hộ có đất nuôi lớn từ 40-100ha, ở "vựa thủy sản" ĐBSCL chỉ... đếm trên đầu ngón tay. Ngược lại, ở các nước lân cận, các hộ nuôi tôm sở hữu hàng trăm, hàng ngàn hécta nên chi phí sẽ thấp đi.

Tại các nước, cơ quan quản lý nhà nước đứng ra đầu tư hoặc tài trợ cho các DN sản xuất con giống sạch bệnh, nên dân chỉ nuôi khoảng 100 ngày đạt tỉ lệ 34-35gr/con và sống tới 90%. Còn ở VN, DN tự mày mò sản xuất, nguồn tôm bố mẹ không rõ ràng, chất lượng tôm giống kém nên phải nuôi tới 180 ngày mà tỉ lệ sống chỉ 60%.

Đầu tư hạ tầng, thức ăn... cho 1ha tôm muốn có lời phải cần hơn 200 triệu đồng; trong khi đa số nông dân thiếu vốn, vay ngoài thì lãi cao, cầm cố đất được 15% giá trị. Buộc lòng dân phải "liệu cơm gắp mắm" mua giống rẻ, đầu tư không đến nơi đến chốn, tôm chết, hao hụt cao là điều không tránh khỏi... "Vì vậy, đáng lý bán cao hơn bạn tới 50%, người nuôi ta mới có lời, chứ bán cao 30% mà vẫn...cầm cự đến giờ này là quá giỏi rồi!" - một DN nói!

Quy hoạch vùng nuôi, chế biến thủy sản còn manh mún.

Thị trường thức ăn bị thao túng

Theo các DN, giá thức ăn cho tôm ở các nước lân cận thấp hơn VN tới 20%. Bởi cái nghịch lý đến bất ngờ: VN là nước nông nghiệp với hơn 75% dân số làm nông, mà chúng ta phải nhập 100% nguyên liệu chế biến thức ăn cho tôm từ nước ngoài với những thành phần như như bột đậu nành, ngô, sắn... là quá bất cập. "Tôm nội ăn đồ ngoại" chính là nguyên nhân dẫn tới giá thành tôm cao.

Đáng lo ngại hơn, hầu hết các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại VN là của nước ngoài, dẫn tới sự thao túng thị trường. Ông Chu Văn An chứng minh đầy bức xúc: "Năm 2008, thức ăn tôm tăng từ 14.500 đồng/kg lên tới 22.000 đồng. Sang năm 2009, giá nguyên liệu, giá vận chuyển đều giảm từ 30-50%, nhưng thức ăn tôm chỉ giảm có... 500 đồng/kg.

Chúng tôi làm công văn gửi cho các Cty sản xuất thức ăn, họ đều trả lời là không giảm được vì hàng tồn kho giá cao còn quá nhiều. Các DN VN bán tôm theo giá thị trường, đâu thể nói với khách hàng là tôi mua nguyên liệu hồi đó giá cao, nên bây giờ phải bán giá cao được? Thế nên, không thể trả lời theo kiểu độc quyền như các DN sản xuất thức ăn thủy sản được!".

Nhìn thẳng sự thật nghiệt ngã của con tôm, để con cá tra không bị "giẫm theo vết xe đổ", mà thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng là việc làm cần thiết.

Đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT sẽ đi... xúc tiến thương mại: Tại buổi làm việc ở TPHCM mới đây với các DN thủy sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định, thời gian tới, đích thân Bộ trưởng cũng sẽ đi đàm phán để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Ngoài ra, bộ sẽ rà soát lại các văn bản liên quan đến thuế nhập khẩu nguyên liệu để kiến nghị Chính phủ giảm thuế, nhằm giảm chi phí đầu vào cho DN.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường