Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Số 1 là giảm giá trực tiếp
08 | 04 | 2009
“Vấn đề quan trọng nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam, cũng như toàn cầu hiện nay là giá. Ai bán giá tốt hơn sẽ chiến thắng”

Nhận xét của tổng giám đốc Big C Pascal Billaud như trên phản ánh khá chính xác sự thay đổi trong hoạt động khuyến mãi hiện nay.

Khác biệt
 
Tại bàn tròn “Những vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam” do câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC tổ chức, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, giám đốc tiếp thị hệ thống Co.opmart nói: “Trong bối cảnh hiện nay, quảng cáo cho mạnh hay tổ chức chương trình với giải thưởng thật lớn cũng không thể bằng khuyến mãi trong giá bán. Người tiêu dùng đang rất nhạy cảm với giá, nên nhà kinh doanh nào chia sẻ được với nỗi lo cơm áo gạo tiền của từng gia đình thì sẽ bán tốt hơn”.

Một đại gia không tiếc tiền chi hàng tỉ để làm khuyến mãi như Pepsi Việt Nam cũng thay đổi. Cụ thể mùa hè 2009 này họ đưa ra chương trình khuyến mãi, mà người trúng giải sẽ được nhận tiền mặt trực tiếp là 1 hoặc 10 triệu đồng để chi dùng cho những nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống của mình và số lượng người trúng giải sẽ nhiều hơn thay vì chỉ vài người trong các giải thưởng lớn mùa hè các năm trước là xe hơi, xe máy, chuyến du lịch nước ngoài…

Hệ thống siêu thị Big C tung ra giải pháp hạ nhiệt mùa hè bằng… 250 mặt hàng có mức giảm giá từ 7 – 50%. Hệ thống Maximark cũng áp dụng khuyến mãi đối với sản phẩm nước giải khát dưới hình thức giảm giá, hoặc tặng kèm sản phẩm, hoặc tham gia bốc thăm trúng thưởng…

Trên các quảng cáo của các trung tâm điện máy như Thiên Hoà, Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Ideas…, hay các nhãn hàng máy tính, điện thoại di động trong vòng mười ngày trở lại đây có thể thấy hầu hết thông điệp quảng cáo đều nhấn mạnh: giá rẻ nhất. Các khuyến mãi bằng chuyến du lịch mua hè, bằng sản phẩm, bằng hàng có giá trị… thường gặp ở những năm trước chỉ còn rất ít. Những dịch vụ cộng thêm như chăm sóc da tóc tại điểm bán, tư vấn hướng dẫn bà nội trợ chế biến món ăn qua băng đĩa, catalogue… tặng khách cũng giảm hẳn.

Vừa ép giá, vừa giảm lãi

Thay đổi hình thức khuyến mãi, chuyển các giá trị quà tặng bằng sản phẩm hay dịch vụ vào giá là một trong những cách đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Các nhà kinh doanh siêu thị – dựa vào khả năng tiêu thụ số lượng lớn đã khai thác thế mạnh của họ để đàm phán với nhà cung cấp, tạo nên ưu thế giá vượt trội cho các nhóm hàng tiêu dùng so với các điểm bán khác.

Bà Nguyễn Thị Hà, giám đốc siêu thị Fivimart nhìn nhận: “Siêu thị muốn có giá tốt hơn, vừa phải ép nhà cung cấp, vừa phải chấp nhận giảm lãi thì mới đạt được giá cạnh tranh”. Chẳng hạn giá thịt heo bán trong siêu thị đã không còn đắt hơn chợ từ 10 – 14% như trước, do nhà cung cấp chấp nhận bán giá thấp. Siêu thị chỉ tính thêm chi phí máy lạnh, điện, nước có 4%. Nếu trừ đi khoản chiết khấu 3% cộng dồn doanh số mua hàng cho khách có thẻ vào cuối năm, thì siêu thị chỉ còn lãi 1%.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường