Sức nông dân đã giảm
* Đạo diễn Đất lạnh Nguyễn Thước đã nói: “Tiến sĩ Sơn là một nhà khoa học rất tâm huyết với nông dân và nông thôn Việt Nam”. Qua quan sát của mình, ông có thể phác thảo đôi chút bức tranh đời sống nông thôn Việt Nam hiện nay?
- Bản chất nền kinh tế nông thôn khởi sắc, trong 20 năm đổi mới thu nhập của nông dân đã tăng gấp ba lần. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, nhất là thủy lợi, giao thông, bệnh viện, thông tin liên lạc... Sản xuất và kinh tế nông thôn kết nối dần với thị trường, sản xuất nông nghiệp trong nước cũng từng bước kết nối với xuất khẩu. Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia kinh tế đô thị, kinh tế công nghiệp, xuất khẩu lao động, đưa khoa học công nghệ, đưa trình độ quản lý mới, đưa vốn về nông thôn làm thay đổi nông thôn rất nhanh...
Bên cạnh đó, ở nông thôn cũng tồn tại nhiều yếu kém cũ và tác động bất lợi mới: chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống thấp. Đường sá giao thông nông thôn cải thiện nhiều nhưng chất lượng kém đô thị, chất lượng thông tin liên lạc thấp. Bệnh viện, trường học được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhưng không ít nơi chất lượng kém, các bác sĩ giỏi, giáo viên giỏi bỏ về thành phố. Tình trạng ô nhiễm môi trường, sinh thái xuống cấp cũng đang diễn ra trầm trọng, mức độ đa dạng sinh học giảm. Xuất hiện sự dãn cách về thu nhập, điều kiện sống giữa nông thôn và đô thị, ngoài ra còn sự dãn cách về cơ hội không dễ nhìn thấy: trong khi trẻ em thành phố lo lắng về béo phì, cận thị thì trẻ em nông thôn gay go về suy dinh dưỡng... Con nông dân cơ hội được học cao, tìm được việc tốt rất thấp...
Điều quan trọng là cơ hội kinh tế. Mức tăng giá dịch vụ, vật tư nông nghiệp quá nhanh trong khi hàng nông sản tăng giá chậm hơn tạo nên “cánh kéo giá” bất lợi cho nông nghiệp, nông thôn. Mấy năm gần đây (trừ năm 2008) tốc độ tăng trưởng nông nghiệp suy giảm, sản xuất ngày càng khó khăn. Nông dân ít có khả năng tái sản xuất mở rộng, chịu nhiều thiệt thòi và phải đương đầu với nhiều rủi ro. Đó là tính hai mặt của bức tranh nông thôn hiện nay.
“Kinh tế càng phát triển, thách thức càng to lớn. Về lâu dài, 10 năm, 20 năm nữa ai dám chắc những chu kỳ suy thoái kinh tế như thế này sẽ không xảy ra? Điều rõ ràng là nông nghiệp như một lá chắn, một cái phao bảo vệ cả nền kinh tế, cần phải luôn được chăm lo, đầu tư phát triển”. Tiến sĩ ĐẶNG KIM SƠN |
* Vậy mà nông nghiệp đã hai lần cứu kinh tế Việt Nam?- Cuối thập niên 1980, một số nước XHCN sụp đổ, Việt Nam mất đi thị trường: nguồn cung cấp nguyên liệu, đào tạo cán bộ, tài chính viện trợ. Lúc đó nạn nhân lớn nhất là công nghiệp, nền công nghiệp năm ấy tăng trưởng âm, lạm phát phi mã, nền kinh tế đứng bên bờ vực. Đúng lúc đó chúng ta đã có những chính sách hết sức đúng đắn về phát triển nông nghiệp. Đó chính là sự ra đời của khoán 10, giao đất cho hộ nông dân.
Bên cạnh đó, các chính sách bỏ ngăn sông cấm chợ, bắt đầu tự do hóa thương mại, mở cửa với bên ngoài khiến sản xuất nông nghiệp tăng trưởng đột phá cùng dịch vụ, kéo cả nền kinh tế đi lên. Đó là lần thứ nhất.
Mười năm sau, cuối thập niên 1990, các nước Đông Nam Á rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Lúc đó phần lớn thị trường và nguồn cung cấp nguyên liệu của Việt Nam đã chuyển sang châu Á, vì thế cả công nghiệp và dịch vụ giảm tăng trưởng nghiêm trọng. Lúc đó, nghị quyết VI của Bộ Chính trị đưa ra một loạt quyết sách về phát triển kinh tế nông nghiệp, trang trại, khuyến nông. Đầu tư cho nông nghiệp tăng gấp đôi, những lao động mất việc ở công nghiệp và đô thị trở về làm nông nghiệp. Nhờ đó nông nghiệp tăng trưởng mạnh. Trong khi các nước Đông Nam Á rơi vào suy giảm kinh tế thì Việt Nam thoát hiểm. Một lần nữa, nông nghiệp đóng góp to lớn, đỡ nền kinh tế vượt qua bờ vực thẳm. Đó là lần thứ hai.
* Còn trong giai đoạn hiện nay, liệu nông nghiệp có thể sẽ tiếp tục lập kỳ tích?
- Lần này kinh tế cả thế giới khủng hoảng, bắt đầu từ nền kinh tế lớn nhất là Mỹ. Năm 2008, nông nghiệp Việt Nam (sau rất nhiều năm không tăng trưởng) có bước tăng trưởng nhảy vọt (4,1% GDP). Nếu năm 2008 nông nghiệp Việt Nam không được mùa thì thật sự lạm phát đã trở nên khó kiểm soát, xuất khẩu nông sản không tăng mạnh thì cán cân thương mại đã gay go hơn nhiều. Một lần nữa, những nỗ lực của sản xuất nông nghiệp hôm nay đang đóng góp quan trọng giúp Việt Nam chống chịu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ không đều đặn trong suốt thời gian dài làm giảm sức lực nông dân. Lần này đứng trước thách thức ở quy mô toàn cầu, nông nghiệp tuy cố vươn lên nhưng khác với hai lần khủng hoảng trước, nhiều lao động nông thôn sẽ khó có việc làm, nông dân khó cải thiện được thu nhập. Hiện phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đều quay trở lại kích cầu thị trường trong nước, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tuy có thị trường nông thôn rộng lớn nhưng cư dân nông thôn không có tiền để mua sắm.
Để có người “nông dân hiện đại”
|
“Những người sản xuất nông nghiệp ngoài kỹ thuật nông nghiệp chuyên sâu còn phải biết kinh doanh nông sản, biết sử dụng công cụ máy móc hiện đại” - tiến sĩ Đặng Kim Sơn - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
* Mới đây, Chính phủ đã ưu tiên dành 23.140 tỉ đồng cho nông dân học nghề trong vòng 10 năm với mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, hướng tới “người nông dân hiện đại”. Vậy theo ông, thế nào là “người nông dân hiện đại”?- Hiện nay tỉ lệ lao động làm việc trong nông nghiệp chiếm hơn 50% tỉ lệ lao động cả nước. Nghị quyết trung ương VII quyết tâm đưa tỉ lệ này còn 30% vào năm 2020. Đây là một yêu cầu hết sức to lớn, rất cần đầu tư của Chính phủ để đào tạo những người nông dân sản xuất thuần nông thành lao động sản xuất phi nông nghiệp. Và người lao động hiện đại không chỉ học kỹ năng làm việc mới mà còn phải học thay đổi tác phong, nếp nghĩ, phong cách làm việc.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng mang tính chất cha truyền con nối, không được đào tạo bài bản. Vì vậy nhiệm vụ đặt ra để có “người nông dân hiện đại” là phải đào tạo lại để những người sản xuất nông nghiệp ngoài kỹ thuật nông nghiệp chuyên sâu còn phải biết kinh doanh nông sản, biết tính toán trồng cây gì, nuôi con gì có lợi nhất trước mắt và lâu dài, biết sử dụng công cụ, máy móc hiện đại.
* Việc học nghề nông nghiệp như ông nói sẽ được bắt đầu như thế nào?
- Đó là cả một quá trình, học kỹ năng, cách sống, cách nghĩ. Người lao động xuất thân nông dân, nghề học được hiện nay cũng chỉ tập trung ở một số ngành sử dụng sức lực thủ công nhiều như dệt may, da giày, chế biến nông sản..., chưa làm được một số công việc khác có tính chất kỹ thuật cao: lắp ráp máy, tin học, công nghiệp chế tạo... Vì vậy việc đào tạo phải dựa trên cải tiến chất lượng nền tảng giáo dục phổ thông và tổ chức dạy nghề hoàn chỉnh. Đào tạo nghề cho lao động từ nông thôn phải lấy thị trường, mục tiêu của nghề đặt ra mà dạy chứ không phải dạy theo mình biết gì, có gì dạy đó. Bên cạnh các ngành nghề phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phải chú ý cả các nhu cầu phát triển khác của quá trình đô thị hóa và hội nhập.
Sướng khổ gì cũng gắn với nông thôn, nông dân Tiến sĩ Đặng Kim Sơn quê ở Thái Bình. Ông tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp năm 1976 và bắt đầu làm các công việc mà ông gọi là “gắn bó với nhà nông” từ đó đến nay. Ông đã có thời gian rất dài sống và làm việc ở vùng nông thôn Rạch Giá, Cần Thơ. Ông nói: “Gia đình tôi xưa kia là nông dân đến đời bố, đời vợ chồng tôi và giờ đến con tôi đều làm trong ngành nông nghiệp. Vinh nhục, sướng khổ cũng vì chính sách nông nghiệp. Gắn bó với nông thôn, nông dân là điều tự nhiên vậy thôi”. |
* Suy giảm kinh tế đang đặt thêm gánh nặng lên vai làng quê khi lực lượng lao động nông thôn trở về làng vì thất nghiệp... - Cần phải có những giải pháp hỗ trợ đối với lực lượng lao động mất việc: chế độ trợ cấp thất nghiệp, tìm cơ hội và tạo những việc làm mới cho họ bằng cách Nhà nước có thể huy động họ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn (thủy lợi, đường sá...).
Nhóm cần hỗ trợ thứ hai là các đối tượng dễ bị tổn thương và đang chịu nhiều thiệt thòi như trẻ em, người già, người khuyết tật không nơi nương tựa, người nghèo, đối tượng chính sách... cần phải trợ cấp bằng cách trực tiếp phát không vật phẩm. Ví dụ như các nước khác phát phiếu ăn, phát lương thực, phát tiền. Ở nước ta, Chính phủ đã trợ cấp tiền giúp người nghèo ăn Tết Kỷ Sửu.
Đối với nông dân thì cần thu mua nông sản của họ, dùng nông sản đó trợ giúp người nghèo hoặc dùng nông sản lương thực để trả công thuê mướn lao động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Bằng cách này một việc có thể giúp đỡ được hai đối tượng: nông dân và người lao động thất nghiệp.
* Nhưng đến tiền ăn tết của người nghèo cũng bị “xà xẻo”?
- Chúng ta chưa có một hệ thống giám sát báo cáo đáng tin cậy, việc giám sát ở nhiều nơi rất kém nên xảy ra thất thoát trong trợ cấp và lãng phí. Tuy bộ máy hành chính và đoàn thể đông đảo, cồng kềnh nhưng người dân không chủ động tham gia các hoạt động này. Nên để người dân trực tiếp tham gia giám sát, quản lý, tham gia hoạt động hỗ trợ nhau. Muốn vậy họ phải tự tổ chức lại trong các hiệp hội, nghiệp đoàn hoàn toàn tự giác như hiệp hội xe ôm, hiệp hội “ôsin”, hiệp hội cửu vạn. Họ sẽ biết nên làm gì, cần gì và được hưởng lợi trực tiếp từ các nguồn trợ cấp của Chính phủ.
* Xin cảm ơn và chúc ông sức khỏe.