Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển thị trường trong nước gắn với thị trường thế giới
15 | 04 | 2009
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đang tác động mạnh mẽ và làm cho kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn. Với độ mở rộng của nền kinh tế, kim ngạch xuất, nhập khẩu chiếm 160% GDP, khi hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... bị sụt giảm đặt ra cho chúng ta bài toán khó về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Nhiều năm qua, do nhu cầu CNH và đổi mới công nghệ, cộng với tâm lý của một bộ phận dân cư sính dùng hàng ngoại nên thị trường trong nước chưa được coi trọng phát triển đúng mức.

Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa chừng 23% và xu hướng còn tăng cao hơn. Năm 2008 dù lạm phát khá cao mà tốc độ doanh số bán lẻ và tiêu dùng, dịch vụ tăng tới 35%. Quý I năm 2009, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng hơn 20%.


Có thể nói rằng, thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp nước ngoài vì hiểu biết tập quán, văn hóa tiêu dùng của người Việt, cùng ngôn ngữ và địa lý nên có thể lựa chọn nhiều phương thức tổ chức các chợ, siêu thị, các điểm bán hàng, các trung tâm thương mại và giao dịch, tạo lập các mối liên kết với các nhà sản xuất ở mọi vùng miền, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, các kênh lưu thông hàng hóa ổn định ... Từ các mối liên kết ấy thị trường nội địa được mở rộng và phát triển đến mọi địa bàn trên cả nước.


Tuy nhiên, muốn phát triển thị trường trong nước thì riêng các doanh nghiệp không thể làm được, mà cần có sự kết hợp, phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các địa phương và người tiêu dùng. Vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng trong đổi mới chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, đề ra các quyết sách lớn và điều hành việc kích cầu đúng vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, cải tiến các thủ tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận nhanh với các nguồn vốn. Chẳng hạn như đối với thị trường nông thôn cần có chính sách mua nông sản, tiêu thụ hàng hải sản cho nông dân và giúp người thu nhập thấp mua tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng nội địa.


Thực tiễn cho thấy, muốn phát triển thị trường nội địa thì cùng với hệ thống chính sách đồng bộ, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời phù hợp với tình hình thị trường do quy luật cung, cầu điều tiết. Ðối với thị trường trong nước hiện nay, rất cần ưu tiên hơn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thị trường nông thôn và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và làm hàng xuất khẩu. Cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về "tam nông", các quyết sách mới của Chính phủ đối với sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, theo đó việc quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn liền với phát triển nông thôn và quy hoạch sử dụng đất, đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và dạy nghề... Nhất định không để đất canh tác bị thu hẹp vì các nhu cầu khác ngoài mục tiêu phát triển nông nghiệp. Các lợi thế nông nghiệp của từng vùng cần được đánh giá đúng để cho cộng đồng các doanh nghiệp tham gia cùng phát huy, có thể gắn kết ngay từ khi quy hoạch để cùng khai thác có hiệu quả nhất.


Quá trình mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, gắn kết thị trường trong nước với thị trường ngoài nước đã đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ðồng thời sự phân công lao động trong nước ngày càng theo hướng chuyên môn hóa, sử dụng các nguồn lực hiệu quả và các doanh nghiệp làm được vai trò cầu nối giữa các vùng, nối kết thị trường trong nước với thị trường ngoài nước.


Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng, lao động bị mất việc làm tăng lên, việc gắn kết thị trường trong nước với thị trường thế giới đặt ra cho chúng ta những yêu cầu mới.


Trước tiên là nâng tầm và chất lượng các dự báo, thông tin về thị trường trong nước và thị trường thế giới, cả ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, quyết sách cho sản xuất và kinh doanh phù hợp. Tiếp đến là việc tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới, những nhu cầu của những thị trường này mà Việt Nam có thể đáp ứng kể cả về lao động và công nghệ sản xuất. Một yêu cầu mới nữa là cần tổ chức để tạo lập cho được đội ngũ doanh nhân năng động, biết vận dụng các quy luật kinh tế, quy luật thị trường, hiểu biết luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, ngoại ngữ để sản xuất kinh doanh, phát huy được nội lực và ngoại lực.


Hiện tại, nước ta có quan hệ đối ngoại, quan hệ kinh tế với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức kinh tế thế giới. Sau hơn hai năm gia nhập WTO kinh tế nước ta hội nhập sâu và toàn diện vào kinh tế thế giới, thị trường Việt Nam là một bộ phận của thị trường toàn cầu. Ðể gắn kết thị trường trong nước với thị trường thế giới, chúng ta cần quy hoạch và phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Vì đây là cơ sở vật chất thiết yếu để chúng ta thực hiện lưu chuyển hàng hóa cùng các yếu tố của sản xuất như tài nguyên, sức lao động, thiết bị kỹ thuật, hàng hóa, tiền vốn... Trong điều kiện hiện nay cần ưu tiên xây dựng, phát triển hệ thống giao thông, hệ thống năng lượng, mạng lưới thông tin tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và đầu tư ra ngoài nước. Tranh thủ thời gian này tập trung đầu tư đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để có thể đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế. Với những lợi thế về chất lượng dân số như tỷ lệ lao động trẻ lớn, có trình độ văn hóa khá, thông minh, cần cù, khéo léo... nước ta có thể và cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong thời gian tới dành các nguồn lực cho đào tạo nghề và đào tạo nhân lực trình độ cao. Thật sự coi trọng đào tạo nghề ở khu vực nông thôn để giải quyết lao động và việc làm trong quá trình CNH nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề cơ sở phát triển bền vững cho đất nước.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường