Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trợ giúp nông nghiệp vượt qua khủng hoảng
16 | 04 | 2009
Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực-Nông nghiệp LHQ (FAO) Jacques Diouf mới đây bày tỏ lo ngại về tình trạng trợ giúp phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo đang ngày càng bị thu hẹp lại, đồng thời kêu gọi đầu tư khoảng 30 tỷ USD cho mục đích này. Ông J. Diouf cho rằng, cùng với khủng hoảng kinh tế, số người dân bị nạn đói đe dọa trên thế giới đang không ngừng tăng lên, còn số người suy dinh dưỡng sắp vượt ngưỡng một tỷ.

Như vậy, không chỉ các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ sẽ không đạt được (từ nay đến năm 2015, giảm số người bị đói trên thế giới xuống còn một nửa), mà tệ hơn nữa, FAO đã không thể đảo ngược lại xu thế đáng báo động kể trên. Trong khi đó, một vấn đề lớn hiện nay là phần trợ giúp phát triển dành cho sản xuất nông nghiệp đã giảm rõ rệt, từ 17% tổng vốn trợ giúp năm 1980 xuống còn 3% năm 2006.


Khủng hoảng kinh tế đã lan đến khu vực nông nghiệp và các vùng nông thôn. Nhiều nước (như Thái-lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc...) đã triển khai gói kích cầu nông nghiệp bằng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp như phát phiếu gạo, phiếu ăn cho hộ nghèo; trợ cấp trực tiếp cho người thất nghiệp, sinh viên; bù lương cho công nhân mất việc, giảm việc...


Theo tờ Les échos (Pháp), tại nông thôn Trung Quốc, nơi có 800 triệu người sinh sống, để bù đắp cho mức thu nhập hiện còn thấp, người dân vùng nông thôn Trung Quốc vẫn dựa vào nguồn tiền do người thân lên đô thị làm việc cho các nhà máy đồ chơi, dệt may, điện tử gửi về quê. Trong những năm gần đây, khoảng hơn 150 triệu dân nông thôn đã đến kiếm sống ở các thành phố. Nhưng từ tháng 9-2008 đến nay, theo các số liệu của chính phủ, hơn 20 triệu người trong số họ đã bị mất việc, nên không còn khả năng gửi tiền về trợ giúp gia đình nữa. Do tác động của khủng hoảng tài chính, số doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng lao động từ sau Tết Nguyên đán giảm 20% so với năm trước.


Chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong Báo cáo công tác Chính phủ đọc tại Quốc hội Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giải quyết khó khăn và tạo việc làm cho lao động nông thôn trở về quê trong đó chú trọng đến biện pháp ổn định việc làm cho nông dân; tạo việc làm cho nông dân thông qua đầu tư của Nhà nước và xây dựng các dự án quan trọng; khuyến khích và ủng hộ những doanh nghiệp gặp khó khăn tiến hành thương lượng với người lao động về mức lương, giờ làm... nhằm hạn chế sa thải nhân công; tổ chức cho lao động nông thôn tham gia dự án xây dựng các công trình công cộng.


Hiện nay, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc cố gắng kết hợp đặc điểm phát triển của địa phương nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngay tại quê hương. Ðiển hình là tỉnh Tứ Xuyên đang gấp rút tiến hành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tái thiết sau trận động đất năm ngoái, thu hút rất nhiều lao động nông thôn về quê làm việc. Một số tỉnh còn giúp đỡ tài chính cho lao động nông thôn trở về quê. Việc phát triển các khu đô thị vừa và nhỏ, đầu tư xử lý rác thải cũng giúp tạo việc làm cho lao động nông dân trở về quê, từ đó giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, vừa kích cầu, vừa góp phần cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.


Ðể đạt được mục tiêu chuyển hướng trọng tâm tiêu thụ hàng hóa vào thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực nông thôn, Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định trợ giá cho nông dân và nâng cấp hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn. Trong năm 2009, Trung Quốc có kế hoạch lập thêm 150.000 cửa hàng bán lẻ, xây dựng 1.000 trung tâm phân phối hàng hóa và 200 khu chợ bán buôn nhằm hoàn thiện hệ thống bán hàng tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân mua được các sản phẩm đạt chất lượng và đúng giá.


Ðầu tháng 3 vừa qua, Ðoàn Chủ tịch Chính phủ Nga họp để xem xét quá trình thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng trong nông nghiệp và bảo đảm diện tích canh tác năm 2009, trước hết bảo đảm cho nông dân đủ nhiên liệu và kinh phí. Trong mùa xuân năm nay, diện tích gieo trồng ngũ cốc dự định đạt 48,7 triệu ha. Như vậy, so với năm 2008, tổng diện tích canh tác nông nghiệp năm 2009 sẽ tăng 500 nghìn ha. Bộ Nông nghiệp Nga dự tính nhu cầu nhiên liệu trong năm nay của ngành nông nghiệp khoảng 5,45 triệu tấn dầu đi-ê-den và 2,02 triệu tấn xăng. Do giá bán lẻ xăng tăng 17,6% và dầu đi-ê-den tăng 20,2% nên Nhà nước sẽ trợ giá cho tổ hợp nông - công nghiệp 194,8 tỷ rúp (hơn 5,4 tỷ USD), hơn 50 tỷ rúp so với năm 2008. Ðồng thời, Ngân hàng Nông nghiệp Rosselkhozbank và Ngân hàng Tiết kiệm Sberbank cũng sẽ cung cấp tương ứng 60 tỷ rúp và 55 tỷ rúp để đáp ứng nhu cầu vay tín dụng ngắn hạn của nông dân Nga nhằm phục vụ việc canh tác vụ xuân.


Theo ông J. Diouf, cần phải tạo ra một hệ thống cho phép những người làm nông nghiệp ở các nước phát triển có được thu nhập tương đương với những công nhân làm việc trong các ngành nghề phụ hay khu vực dịch vụ. Ðồng thời, cũng cần phải xây dựng một hệ thống tương tự dành cho các nước đang phát triển, trong đó những biện pháp kinh tế hỗ trợ không được tạo ra sự chênh lệch giữa hai đối tượng làm nghề nông này. FAO đã cử một nhóm chuyên gia nghiên cứu các giải pháp đổi mới và những dự án này có thể được công bố từ nay đến cuối năm, nhân Hội nghị cấp cao về lương thực.


Mục tiêu của FAO là tìm ra nguồn vốn để tài trợ về phân bón, thiết bị nông nghiệp, giống, thức ăn gia súc mà các nước đang phát triển rất cần. Ðiều này có thể tiến hành trên cơ sở quan hệ đối tác giữa các nước phương Bắc và các nước phương Nam, thông qua những doanh nghiệp kinh tế hỗn hợp. Bước đầu, FAO ước tính cần khoảng 30 tỷ USD tài trợ cho các chương trình nông nghiệp ở những nước nghèo. Một số chuyên gia đang đề nghị thành lập một tổ chức lương thực thế giới có mối liên hệ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như FAO, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), để phát triển sản xuất nông nghiệp, điều tiết thị trường lương thực và hỗ trợ vốn cho nông dân các khu vực trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường