Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp gỗ quên thị trường nội
17 | 04 | 2009
Thị trường trong nước tràn ngập hàng đồ gỗ của Trung Quốc, Đài Loan... Vẫn còn cơ hội trong khó khăn!

Hôm qua (16-4), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã gặp gỡ các doanh nghiệp gỗ tại TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết tính từ đầu năm đến nay, số lượng hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm hơn 20% so với năm trước. Riêng thị trường Mỹ trong tháng 3, số lượng đơn hàng giảm tới 70% so với tháng 3 năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp đã phải co hẹp sản xuất, thậm chí có nhiều doanh nghiệp điêu đứng bởi hàng đã xuất đi nhưng khách hàng của mình bị phá sản nên không có khả năng chi trả. HAWA cho biết thông thường thời điểm này của những năm trước, doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng tới cuối năm. Thế nhưng đã hết quý I nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn đặt hàng cho quý III và IV-2009.

Đại diện Công ty Chế biến gỗ Việt Đức (Khánh Hòa) cho biết do đơn hàng giảm nên đang có hiện tượng doanh nghiệp gỗ trong nước chạy đua giảm giá mạnh, thậm chí phá giá lẫn nhau khi chào giá thấp hơn chi phí đầu vào. Điều này vô hình trung các doanh nghiệp đang tự làm hại lẫn nhau và người hưởng lợi nhất chính là nhà nhập khẩu.

Quay về xúc tiến nội địa

Chủ tịch HAWA Nguyễn Chiến Thắng cho biết các thị trường truyền thống, đặc biệt là Mỹ, Nhật, EU có giá trị xuất khẩu rất lớn, đạt tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cho nên dù đơn hàng có giảm tới 20% so với trước thì con số còn lại vẫn có giá trị rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải tìm mọi cách giữ khách hàng.

Theo ông Thắng, cái khó của nhiều doanh nghiệp tại thời điểm này là giá trị của nhiều mặt hàng gỗ giảm giá tới 15% so với trước nhưng chi phí đầu vào như nguyên liệu lại giảm không tương xứng, trung bình chỉ có 5%. Cho nên cách làm tốt nhất là doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành để lôi kéo khách hàng.

Một điểm yếu mà ngành gỗ gặp phải là chưa chú ý khai thác thị trường trong nước vốn rất tiềm năng. Trong khi doanh nghiệp cứ tìm cách mở rộng thị trường nước ngoài thì thị trường trong nước lại tràn ngập hàng đồ gỗ của Trung Quốc, Đài Loan... Theo ông Thắng, bỏ quên thị trường nội địa một phần lỗi do doanh nghiệp, phần còn lại do hệ thống phân phối mặt hàng này tại Việt Nam quá nhỏ lẻ, rất khó cho doanh nghiệp tiếp cận.

Dự tính trong tháng 11-2009, HAWA sẽ tổ chức một hội chợ xúc tiến thương mại trong nước. Mục đích nhằm kết nối cơ hội kinh doanh giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tìm đầu ra cho doanh nghiệp.

Về thị trường nước ngoài, HAWA kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp chi phí tham dự hội chợ đồ gỗ quốc tế như Las Vegas Market (Mỹ), Frankfurt (Đức)... để tìm kiếm khách hàng. Ngoài nhiệm vụ phải giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp gỗ sẽ chú trọng tại một số thị trường được cho là tiềm năng như Trung Đông, Trung Á, Nga, Ấn Độ...

Vẫn còn cơ hội trong khó khăn!

Phó Chủ tịch HAWA Trần Quốc Mạnh cho hay bên cạnh những tác động xấu thì khủng hoảng kinh tế chính là cơ hội để doanh nghiệp gỗ tái cấu trúc doanh nghiệp. Theo đó, do kinh tế thế giới gặp khó khăn nên Việt kiều từ nhiều nước trở về đầu tư. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn, bổ sung đội ngũ cán bộ và công nhân lành nghề. Chưa kể, kinh tế suy thoái, giá thiết bị, máy móc sẽ rẻ hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được hệ thống máy móc hiện đại.

Ngoài ra, trong khó khăn, doanh nghiệp sẽ xích lại gần nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tạo tiền đề cho mối liên kết bền chặt hơn trong chuỗi cung ứng.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường