Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra là thực phẩm “hot” ở Nga
20 | 04 | 2009
Mặt hàng thủy sản Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường Tây Ban Nha, Ba Lan, châu Âu...

Việc Nga nhập khẩu trở lại hàng thủy sản Việt Nam từ ngày 14-4 đã mở ra hướng thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương (ảnh) - người dẫn đầu đoàn làm việc của Bộ NN&PTNT tại Nga từ ngày 11 đến 15-4.

Sẽ mở ra thị trường mới

. Nội dung cụ thể mà phía Việt Nam đạt được là gì, thưa ông?

+ Để thủy sản xuất khẩu trở lại Nga, đoàn công tác đã ký bản ghi nhớ, cam kết phải giám sát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Sẽ có 30 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Nga và dự kiến chuyến hàng đầu tiên xuất sang Nga sẽ đi trong tháng này. Theo kết quả đàm phán, trong năm 2009 Việt Nam sẽ xuất khẩu vào thị trường Nga 100.000 tấn thủy sản với tổng giá trị hơn 200 triệu USD. Dự kiến tháng 5 và tháng 6, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuất 20.000 tấn cá philê sang Nga với tổng giá trị khoảng 40 triệu USD. Điểm mới của lần đàm phán này so với trước là có hai doanh nghiệp tôm được phép xuất khẩu vào Nga.

. Kết quả của cuộc đàm phán với Nga mở ra cơ hội gì cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trước tình hình kinh tế đang khó khăn?

+ Nga được xác định là thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu cá tra. Trong năm 2008, doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga hơn 118.000 tấn với giá trị 188 triệu USD. Đến thời điểm tạm dừng nhập khẩu thì cá tra Việt Nam đã có mặt ở khắp nước Nga, từ thành thị đến nông thôn. Tôi từng sang Nga nhiều lần và thấy thức ăn chế biến từ cá tra không thể thiếu được trong mỗi bữa ăn của người dân Nga. Việc mở lại thị trường trọng điểm như Nga được xem là tiền đề để xuất khẩu thủy sản, tiếp tục giữ vững thị phần tại thị trường truyền thống và mở rộng tại thị trường mới.

Cho nên làm sao để giữ vững được thị trường này rất được Chính phủ và doanh nghiệp quan tâm. Vừa qua, Chính phủ đã thành lập ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga nhằm tổ chức xuất khẩu cá tra sang Nga, tránh cạnh tranh nội bộ gây ra thiệt hại không đáng có trong xuất khẩu cá. Ban điều hành sẽ đại diện cho doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với đối tác nhập khẩu về giá cả, thanh toán cũng như quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa.

Giám sát chặt chẽ về chất lượng

. Hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam thường gặp khó về chất lượng. Vậy hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga sẽ được giám sát ra sao, thưa ông?

+ Sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Nga sẽ được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Hàng xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhiễm kháng sinh, vi sinh, hóa chất độc hại, không được phép mạ băng vượt quá 20%. Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn và thú y thủy sản của Việt Nam (NAFIQAD) sẽ thành lập ra một ban chuyên trách đặc biệt nhằm theo dõi các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga. Phía Việt Nam cũng đề nghị cơ quan giám sát chất lượng thủy sản của Nga thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM nhằm tiết kiệm kinh phí, rủi ro cho các nhà xuất khẩu. Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng trước khi hàng thủy sản được xuất đi. Tránh tình trạng doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sang Nga nhưng do không đạt chất lượng lại phải đưa về nước.

Tôi sẽ có đề nghị cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên khép kín từ khâu nuôi, sản xuất thức ăn, con giống và quản lý môi trường cho đến chế biến, tiêu thụ. Doanh nghiệp phải làm sao để đặt vị trí của cá tra đúng với tiềm năng của nó.

. Khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới?

+ Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay sẽ khó hơn năm trước do sức mua của các thị trường bị yếu đi. Có những khó khăn về xuất khẩu mặt hàng này mà trước đây chúng ta chưa từng lường trước được. Riêng về các thị trường xuất khẩu thủy sản, theo nhận định, doanh nghiệp Việt Nam chưa phải là bế tắc nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn do sức mua yếu và đối tác thanh toán chậm. Ngoài ra đối với mặt hàng thủy sản, rào cản về kỹ thuật ngày càng khó khăn thêm.

Hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường Tây Ban Nha, Ba Lan, châu Âu... Mới đây nhất, theo thông tin từ doanh nghiệp, Mỹ lại bắt đầu chú ý tới mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Vừa qua, cơ quan chức năng của Mỹ đã giảm thuế nhập khẩu thủy sản cho một số doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu tốt cho ngành thủy sản Việt Nam.

. Xin cảm ơn ông.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường