Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Việt Nam đang tốt lên
20 | 04 | 2009
Bộ phận phân tích của Standard Chartered Bank nhận định: Ngoài những chỉ số FDI đang phục hồi, nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu tốt lên.

Theo đánh giá của Standard Chartered Bank, cán cân thương mại đang chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Quý 1/2009, chỉ số thặng dư thương mại của Việt Nam là 1,6 tỉ USD, so với chỉ số thâm hụt của cùng kỳ năm 2008 là 8.4 tỉ USD.
 
Đây là kết quả của sự suy giảm hoạt động nhập khẩu, mà một phần là do giá cả hàng hoá sụt giảm mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thép và dầu thô. Kim ngạch nhập khẩu máy móc và linh kiện cũng giảm sút rõ rệt, phần nào đã phản ánh tâm lý kinh doanh cẩn trọng hơn.
 
“Với việc nhà máy lọc dầu đầu tiên đi vào hoạt động trong năm nay, Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ việc giá dầu thô tăng cao, điều khiến cho thâm hụt thương mại trong nước tăng bởi các sản phẩm năng lượng.
 
Thậm chí, theo chúng tôi dự đoán thì hiện tượng thâm hụt thương mại sẽ quay lại vào những tháng tới, tuy nhiên con số có lẽ sẽ nhỏ hơn so với 18 tỉ USD trong năm ngoái”, ông Tai Hui, Trưởng Bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của ngân hàng cho hay.
 
Dù xuất khẩu tăng trưởng trở lại trong tháng 2 và 3, sau 3 tháng suy giảm, nhưng theo khuyến cáo của ông Tai Hui, Việt Nam vẫn cần phải thận trọng bởi “xuất khẩu tăng dường như là đến từ những can thiệp chính sách một lần (như kim ngạch xuất khẩu gạo với sản lượng lớn trong tháng ba) trong khi kim ngạch xuất khẩu các hàng hóa sản xuất như hàng dệt may, giày dép, và các linh kiện điện tử vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bình ổn”.
 
Lạm phát vẫn trong xu hướng giảm. Với điều kiện giá dầu và thực phẩm duy trì sự ổn định trong năm nay, lạm phát của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức thấp một con số vào nửa cuối năm 2009. Theo dự đoán của Standard Chartered Bank, con số đó là 2%, theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn cắt giảm lãi suất cơ bản.
 
Cũng theo ngân hàng này, doanh số bán lẻ vẫn duy trì. Tâm lý ảm đạm trên thị trường toàn cầu vẫn chưa ảnh hưởng tới hoạt động tiêu dùng trong nước. Doanh số bán lẻ cho các hộ gia đình vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định trong những tháng vừa qua, thậm chí cả khi điều chỉnh lạm phát thì doanh số bán lẻ thực đã có mức tăng đáng kể.
 
Ông Tai Hui nói: “Mặc dù 2009 là một năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế trong nước và khu vực, chúng tôi vẫn tin tưởng vào viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam. Một số nhân tố về cơ cấu sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và một vài trong số đó vẫn đang tiến hành mặc dù tốc độ tăng trưởng của những nền kinh tế phát triển đang bị suy yếu”.
 
Những nhân tố theo ông Tai Hui sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển có điều kiện nhân khẩu học thuận lợi. Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, dân số Việt Nam sẽ tăng từ 85 triệu người hiện tại lên 110 triệu người vào năm 2035, với 2/3 trong tổng số sẽ có khả năng tham gia vào kinh tế.
 
Đây chính là lực lượng dồi dào cho lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nhiều nhân công và cho tiêu dùng nội địa. Dựa vào sự phát triển của các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, sức tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng 6 - 7 năm tới.
 
Phân bổ rủi ro và việc Trung Quốc nâng cấp dây chuyền giá trị sản xuất đã cho thấy các doanh nghiệp quốc tế không ngừng tìm kiếm một cơ sở sản xuất thứ hai. Việt Nam, do hệ thống chính trị ổn định và chi phí sản xuất thấp, được các doanh nghiệp châu Á quan tâm (đặc biệt là các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và ngày càng nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc) như một điểm đến thay thế. Sự quan tâm từ phương Tây cũng đang trên đà gia tăng.
 
Tuy nhiên, những trở ngại chính mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong những năm trước mắt là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
 
“Chúng tôi cho rằng tăng trưởng năm 2009 đạt được là do nhu cầu trong nước và ngân sách của Chính phủ, với kim ngạch xuất khẩu đóng vai trò lớn hơn trong năm 2010.
 
Theo quan điểm của chúng tôi, để tăng trưởng kinh tế trở lại mức cao hơn 6% đòi hỏi sự kết hợp của việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu, sự ổn định thị trường tài chính trong nước và việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư thương mại”, ông Tai Hui nhấn mạnh.



Theo Dân trí
Báo cáo phân tích thị trường