Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân có việc, có tiền mua hàng
20 | 04 | 2009
Gói kích cầu hướng vào nông nghiệp, nông thôn đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1-5 sẽ giải quyết vấn đề gì, nông dân, đặc biệt những hộ nghèo, sẽ được hưởng ưu đãi ra sao? Tuổi Trẻ đã trao đổi với Ông Cao Sỹ Kiêm - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Gần 80% dân số VN sống ở nông thôn, là lực lượng chủ lực sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần tăng trưởng GDP, xóa đói nghèo, ổn định xã hội. Thế nhưng thị trường này chưa được quan tâm đúng mức: hạ tầng yếu kém, hệ thống phân phối hầu như không có, đào tạo nguồn lực không đến nơi đến chốn. Do vậy, phải khoan sức dân ở khu vực này để tạo sức bật cho nền kinh tế.

* Gói hỗ trợ thị trường nông thôn trước mắt sẽ giải quyết được vấn đề gì, thưa ông?

Theo báo cáo nhanh của các NH thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 17-4 đạt 236.820 tỉ đồng, tăng 8,42% so với ngày 10-4. Trong đó dư nợ cho vay của nhóm NHTMNN và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 175.934 tỉ đồng, tăng 13.678 tỉ đồng.

Nhóm NHTMCP đạt 50.316 tỉ đồng, tăng 4.188 tỉ đồng (9,07%). Nhóm NH liên doanh, chi nhánh NH nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 10.096 tỉ đồng, tăng 427 tỉ đồng. Các công ty tài chính là 474 tỉ đồng, tăng 103 tỉ đồng.

- Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, nông thôn hứng chịu hậu quả nặng nề nhất: nông dân làm ăn thua lỗ, không có vốn để tiếp tục sản xuất, lao động trong các xí nghiệp bị sa thải, sức mua co lại. Vì vậy gói kích cầu lần hai nhắm vào nông nghiệp, nông thôn nhằm giải quyết ba vấn đề chính: tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập dựa trên tăng sức sản xuất và tạo ra sức mua.

Cụ thể, gói kích cầu sẽ hướng vào đầu tư hạ tầng sản xuất: xây thêm khoảng 2.000 trạm bơm, các công trình thủy lợi, kênh mương; hỗ trợ lãi suất cho vay mua cơ giới nông cụ để tăng sức sản xuất, cho vay mua máy vi tính để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn... không lấy lãi; bù 4% lãi suất cho vay mua vật tư sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, nông dân, kể cả những người lao động bị sa thải trong các xí nghiệp, sẽ có công ăn việc làm để tạo ra thu nhập, có tiền chi xài, qua đó cải thiện sức mua. Doanh nghiệp sẽ tận dụng thời cơ này đưa hàng giảm giá về nông thôn. Tóm lại, gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn vừa giải quyết được vấn đề bơm vốn ra để chống suy giảm, vừa tạo cơ sở để gia tăng sức mua, kích thích ngược trở lại sản xuất.

* Nhưng nếu chỉ cho đầu tư cơ sở hạ tầng và cho vay thì chưa đủ?

- Vừa qua Chính phủ đã bàn thêm rất nhiều biện pháp tăng cường đầu tư cho khu vực nông thôn, tăng ưu đãi cho nông dân: người nghèo sẽ được phát miễn phí bảo hiểm y tế để được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Những hộ gia đình thuộc diện khó khăn sẽ được xem xét phát không tivi, điện thoại, số khác sẽ được mua giá rẻ và trả góp. Nhà nước sẽ cấp vốn, vật tư để xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương, đường sá và người dân ở nông thôn sẽ được huy động tham gia và được trả công. Như vậy, nông dân có thêm thu nhập khác bên cạnh canh tác nông nghiệp, Nhà nước lại tận dụng được tối đa sức lao động nông thôn. Doanh nghiệp cũng tiêu thụ được sắt thép, gạch, ximăng thừa, giải quyết được lượng hàng tồn kho trong thời gian qua.

Tất cả những biện pháp trên nằm trong gói kích cầu lần hai dự kiến khoảng 9 tỉ USD (160.000 tỉ đồng) nhằm vào tất cả lĩnh vực của đời sống. Trong đó, gói kích cầu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 58.000 tỉ đồng, mục tiêu là tạo ra công ăn việc làm, hàng hóa, nâng cao đời sống. Gói kích cầu của Bộ Công thương dự kiến 17.000 tỉ đồng chủ yếu đưa hàng về nông thôn, gói kích cầu của Bộ Xây dựng khoảng 24.000 tỉ đồng chủ yếu xây dựng nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp... Trong thời gian tới, nhiều gói kích cầu của các bộ ngành nhắm vào thị trường nông thôn sẽ tiếp tục được công bố.

* Kinh nghiệm từ gói kích cầu lần đầu, lần này sẽ triển khai như thế nào để phát huy hiệu quả nhất, thưa ông?

- Theo tôi, nhà điều hành chính sách phải rõ ràng ngay từ khi ban hành cơ chế, phải xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, mức độ ưu đãi để người nông dân biết mình được hỗ trợ những gì và ra sao, NH cũng biết bơm vốn vào địa chỉ nào, mức độ bao nhiêu. Kế đến rút kinh nghiệm từ gói kích cầu vừa qua, phải có cơ chế thông thoáng, sát thực tế nông thôn, nghĩa là phải mang tính đặc thù và tình thế.

Điều kiện vay, thủ tục, giấy tờ chứng minh nên lùi một bước, không thể áp dụng điều kiện cho vay như với doanh nghiệp vì người dân hiểu biết hạn chế, không am tường thủ tục, yếu thế trong cạnh tranh khó có thể tiếp cận nổi. Hơn nữa, gói kích cầu nông nghiệp chỉ có hiệu lực với các hợp đồng vay từ 1-5 đến 31-12 nên để phát huy hiệu quả cần một chính sách đột phá, linh hoạt để “mồi” cho thị trường này. NH phải mạnh dạn kiến nghị những vướng mắc, không nên quá thụ động vì như vậy sẽ làm vuột mất cơ hội “ngàn vàng” để đặt chân vào thị trường nông thôn.

Muốn vậy phải có cơ chế giám sát, thậm chí thường xuyên công khai hóa để người dân biết gói kích cầu đã đến đâu, ai là người được thụ hưởng để có cơ chế phối hợp giám sát... tránh tình trạng một số đơn vị tranh thủ “vơ” quyền lợi nhưng làm ăn không hiệu quả, nợ quá hạn cao. Trong khi nhiều doanh nghiệp cần nhưng không tiếp cận được.

* Xin cảm ơn ông.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường