Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giữ đà xuất siêu nông sản sang Trung Quốc?
20 | 04 | 2009
Trung Quốc là một đối tác thương mại nông sản quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2008, theo số liệu thống kê của tổng cục Hải Quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 1,9 tỉ USD chiếm 11,9%% tổng kim ngạch nông sản, tăng 39% so với năm 2007. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 1,7 tỉ USD. Như vậy, năm 2008, Việt Nam đạt thặng dư thương mại nông sản với Trung Quốc 203,25 triệu USD.

Đa số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều tăng về kim ngạch so với năm 2007 như cao su tự nhiên, cà phê, hạt điều, sắn, dong, khoai (thuộc nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi)…

Kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2008 (đơn vị: 100 triệu USD).

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam.


Kim ngạch (triệu USD) và tốc độ tăng trưởng kim ngạch (%) 5 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2008


Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Trong đó, cao su tự nhiên tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, tăng trưởng 29% giai đoạn 2007 -2008, tăng 9 điểm % so với giai đoạn 2006 -2007). Cao su Việt Nam chỉ chiếm 3,32% thị phần của Trung Quốc và tỉ lệ này đang có xu hướng giảm.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 30% so với năm 2007, đạt hơn 32 triệu USD, chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2008 ra toàn thế giới. Năm 2008, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất, tuy nhiên không tăng về thị phần, trong khi đó, đối thủ cạnh tranh Indonesia tăng hơn 2% thị phần chỉ trong vòng 2 năm.

Hạt điều là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong top 10 tăng trưởng với 181,8 triệu USD, chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu điều của Việt Nam lớn thứ ba thế giới (16,6% thị phần), chỉ sau Hoa Kỳ (28,5%) và Hà Lan (17,2%).

Đối với nông sản Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Kim ngạch (triệu USD) và tốc độ tăng trưởng kim ngạch (%) 5 mặt hàng nông sản Việt Nam nhập từ Trung Quốc 2008


Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Năm 2008, nhập khẩu phân khoáng tổng hợp NPK từ Trung Quốc đạt 355,4 triệu USD, tăng 8% so với năm 2007, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang Việt Nam. Nhập khẩu phân Kali tăng mạnh từ 8,06 triệu USD năm 2007 lên 36,5 triệu USD năm 2008. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu tăng như vậy không hẳn do lượng nhập khẩu tăng mà chủ yếu do ảnh hưởng của chính sách thuế xuất khẩu ban hành nửa cuối năm 2008 của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong nước, từ tháng 4 năm 2008, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng thuế suất từ 100% trở lên đối với tất cả các mặt hàng phân bón xuất khẩu, đặc biệt mức thuế suất giành cho phân urê, phân nitơ và phân NH3 đã lên tới 150% - 175%.

TRIỂN VỌNG THƯƠNG MẠI 2009

Theo báo cáo thương mại nông sản Việt Trung 2008 và triển vọng 2009 của Trung tâm thông tin PTNNNT năm 2009, thương mại nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm. Nguyên nhân do:

(i), Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm; Theo dự báo của tổ chức tiền tệ quốc tế, năm 2009 có thể sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,7%, lạm phát giảm xuống còn 4,3% và đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng giá nhẹ.

(ii), Giá của nhiều mặt hàng nông sản giảm sau khi đạt mức cao trong năm 2008 sẽ có xu hướng sụt giảm mạnh và kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc được dự báo sẽ giảm khoảng 5-10% so với năm 2008.

Riêng mặt hàng cao su tự nhiên được dự báo kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2009 nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ khoảng 1,98% so với năm 2008 do tác động kết hợp suy giảm cả về lượng và giá. Dự báo trong thời gian sắp tới giá cao su tự nhiên tại Trung Quốc dao động ở mức 1.400 – 1.700 USD/ tấn. Giá cao su tự nhiên thế giới tại sở giao dịch Tokyo ước đạt khoảng 1.664 – 1.903 USD/tấn, tức là giảm khoảng 25-30% so với mức giá trung bình năm 2008.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Hoạt động mua bán nhà đất không sôi động năm 2009 sẽ kéo theo lượng tiêu thụ các sản phẩm gỗ, đồ gỗ gia dụng giảm mạnh. Dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2009 sẽ giảm khoảng 9,76%.

(iii), Ngoài ra, một xu hướng khác đáng lưu ý là xuất khẩu nông sản Trung Quốc ra thị trường thế giới giảm, lượng tồn kho nhiều, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chuyển hướng vào tiêu thụ nội địa, và thúc đẩy xuất sang thị trường Việt Nam với mức giá rẻ.

Xem thông tin về BÁO CÁO THƯƠNG MẠI NÔNG SẢN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC 2008 VÀ TRIỂN VỌNG 2009 tại đây



Phan Hồng Liên - (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường