Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh xúc tiến nội địa: Nông thôn là trọng tâm
23 | 04 | 2009
Gặp khó về xuất khẩu, các doanh nghiệp đều tính tới chuyện quay về với thị trường nội địa, song điều này cũng không hề đơn giản. Đây là lý do Bộ Công Thương phải “ra tay” khởi động một chương trình lớn: Xúc tiến thị trường, thương mại nội địa năm 2009.

Hàng loạt chương trình cụ thể sẽ được khởi động trong dịp lễ lớn 30/4 như “Tuần hàng Việt Nam” với sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp cả nước tổ chức bán hàng Việt Nam tại hệ thống cửa hàng, siêu thị với nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá. Bên cạnh đó là Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Tp.HCM với hơn 1.000 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, mục tiêu chính của chương trình là thông qua các giải pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp vận động để liên kết các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam hướng về thị trường nội địa.

Ba nhóm hoạt động chính là: Tăng cường hỗ trợ năng lực cộng đồng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị phần (như điều tra khảo sát thị trường, điều tra thực trạng mạng lưới phân phối, nghiên cứu thị hiếu tập quán từng khu vực)…; Toạ đàm trực tiếp giữa các nhà cung cấp với phân phối và doanh nghiệp; Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ được Bộ Công Thương hỗ trợ đẩy mạnh trong dịp này.

Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp và các khu đô thị lớn, tổ chức theo đợt, định kỳ từng bước thiết lập hệ thống phân phối bền vững với người tiêu dùng.

Không làm thay doanh nghiệp

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao: “sai lầm ở chỗ khi nghĩ rằng thị trường nước ngoài khó khăn mới quay về nội địa, khi xuất khẩu thuận lợi chúng ta lại buông trong nước”.

Đồng quan điểm này, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận: phát triển thị trường nội địa không phải giải pháp tình thế mà là vấn đề căn cơ và chiến lược lâu dài. Chương trình Xúc tiến thị trường nội địa sẽ là cú hích cần thiết tạo cơ hội và tạo đà cho sự phát triển lâu dài với theo phương châm “người Việt dùng hàng Việt”.

Một vấn đề được đặt ra là tổng dự toán ngân sách 51 tỷ đồng không phải là con số đủ khả năng đáp ứng khối lượng chương trình khá đồ sộ và kéo dài trong cả năm. Rõ ràng với tổng chi ít nhưng hành động nhiều, việc rạch ròi trách nhiệm là hết sức cần thiết. Theo đó công việc của cơ quan quản lý là xúc tiến còn hoạt động chính doanh nghiệp vẫn cần chủ động.

“Phải phân biệt rạch ròi, về xúc tiến không thể ôm hết được việc của doanh nghiệp, không làm thay doanh nghiệp mà chủ yếu tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho mọi doanh nghiệp”- bà Hạnh chia sẻ.

Nan giải bài toán đưa hàng về nông thôn

Bài toán giá cả và hỗ trợ tiêu dùng cho người nông dân sẽ là vấn đề đau đầu các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nếu muốn đẩy mạnh được tiêu thụ tại nông thôn.

Trên thực tế, người nông dân không hề được dùng hàng giá rẻ, trong khi chất lượng hàng đa số rất kém. Lý do lớn nhất là tình trạng tù mù thông tin về hàng hoá.

Bày tỏ lo ngại về hiểu biết tiêu dùng còn hạn chế của người nông dân, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, nếu đưa hàng về nông thôn phải cẩn trọng khâu quản lý, tránh tình trạng một số doanh nghiệp đưa hàng quá date, gian dối chất lượng và mập mờ giá về nông thôn.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, mục tiêu của chương trình không phải đưa hàng rẻ mà đưa hàng đúng nhu cầu của người nông dân. Còn theo ông Hoàng Thọ Xuân, vấn đề không phải giá rẻ mà là chất lượng tốt, đưa hàng về nông thôn với phương thức thuận tiện nhất, đáp ứng đúng yêu cầu của người dân.

Trả lời cho câu hỏi nguồn tiền để người nông dân mua hàng là từ đầu? Ông Xuân cho rằng điều này sẽ đòi hỏi sự phối hợp của nhiều giải pháp lớn khác từ Chính phủ như kích cầu nông thôn, tiêu thụ tốt nông sản, các chính sách xã hội…

Một điều khiến nhiều người băn khoăn là chỉ khi thị trường xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp mới quay về thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn. Song điều này sẽ kéo dài được bao lâu? Hay khi các thị trường chính hồi phục, thị trường nông thôn sẽ bị lãng quên như lâu nay? Nhìn nhận điều này, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, phát triển thị trường nông thôn phải là bài toán lâu dài, không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường