Rừng đước Năm Căn-Cà Mau hiện đang phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Đây là mô hình nuôi tôm duy nhất trên cả nước, được các tổ chức châu Âu cấp chứng chỉ công nhận đạt chuẩn quốc tế.
Mô hình “rừng-tôm”
Từ trụ sở của Lâm ngư trường 184, ấp Chà Là, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chiếc vỏ lãi tăng tốc, rẽ sóng đưa chúng tôi đến khu bảo tồn sinh thái của lâm ngư trường. Ông Phạm Ngọc Hưng, quản đốc Lâm ngư trường 184, cho biết: Vào thời điểm 1989-1990, người dân ồ ạt phá rừng nuôi tôm tràn lan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Từ đó, lãnh đạo tỉnh giao cho các đơn vị thực hiện phương thức sản xuất lâm-ngư kết hợp; lên phương án cải tạo, trồng rừng và giao đất rừng cho người dân cùng quản lý, sản xuất ổn định lâu dài. Năm 1999, Lâm ngư trường 184 được Bộ Thủy sản giới thiệu đoàn thương gia, chuyên gia ngành thủy sản châu Âu đến tham quan mô hình nuôi tôm và hệ thống rừng ngập mặn. Khi đó, sản phẩm chế biến từ tôm sú được đoàn tham quan đánh giá rất cao khi dùng thử và họ đề nghị nghiên cứu nhằm phát triển dự án nuôi trồng thủy sản với mô hình rừng-tôm kết hợp với mục đích cung cấp sản phẩm sinh thái có giá trị cao cho cộng đồng châu Âu.
Sau 2 năm nghiên cứu và theo dõi hiệu quả của mô hình nuôi tôm tại Lâm ngư trường 184 của tổ chức tiêu chuẩn Naturland (Đức) với sự hỗ trợ vật chất của Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) cùng các tổ chức cộng đồng châu Âu, ngày 21-12-2001, Lâm ngư trường 184 đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn vùng nuôi sinh thái, sản xuất tôm sinh thái kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn do Tổ chức Naturland cấp. Ông Hưng tỏ vẻ tự hào nói: Để được công nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái, Lâm ngư trường 184 phải qua sự “sát hạch” gắt gao của Viện Thị trường Sinh thái (IMO)- một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên và nổi tiếng trong lĩnh vực thanh tra, cấp chứng nhận và sự bảo đảm an toàn về chất lượng. Hiện tổng diện tích lâm phần là 5.035 ha, trong đó diện tích có rừng 3.428 ha, nuôi trồng thủy sản 1.067 ha. Nhiều địa phương trên cả nước có rừng ngập mặn rất muốn phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái nhưng đều không đạt được 10 tiêu chí theo quy định của tổ chức này.
Sẽ có thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau
Là nơi duy nhất trên cả nước đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chính vì lẽ đó người dân nuôi tôm phải được huấn luyện, tập huấn cách nuôi, chọn con giống hết sức kỹ càng. Ngoài ra, người nuôi thường xuyên chịu sự giám sát của các thành viên IMO đặt tại Việt Nam; các hộ nuôi tôm phải có sổ sách ghi chép, cập nhật, theo dõi thường xuyên. Hai yếu tố quan trọng hàng đầu của việc nuôi tôm sinh thái là từ khi thả con giống đến lúc thu hoạch đều không sử dụng hóa chất và thức ăn công nghiệp, tôm hoàn toàn ăn thức ăn tự nhiên. Việc thu hoạch cũng phải qua quy trình khép kín từ thu hoạch, vận chuyển, chế biến cho đến xuất khẩu (toàn bộ sản phẩm tôm của Lâm ngư trường 184 đều được Công ty Camimex bao tiêu xuất khẩu sang thị trường châu Âu). Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hiện khoảng 290.000 ha, trong đó trên 260.000 ha nuôi tôm (tôm sú chiếm 240.000 ha). Từ lâu, Cà Mau đã xác định phát triển con tôm là thế mạnh chủ lực. Năm 2008, xuất khẩu thủy sản đạt trên 650 triệu USD, phấn đấu đến năm 2010 đạt 1 tỉ USD. Riêng đối với con tôm sinh thái ở Năm Căn, tỉnh đang khuyến khích đẩy mạnh phát triển, hướng tới sẽ xây dựng thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau. Thịt của loại tôm này rất ngon, thơm, được thị trường các nước Bắc Âu đánh giá rất cao. Thị trường tiêu thụ tôm sinh thái rất lớn, đầy tiềm năng. Mô hình này vừa bảo vệ được rừng, người nuôi lại bán được giá cao.