Hàng rẻ hơn
Thực hiện giảm giá đồng loạt các mặt hàng sớm nhất và dài hơi nhất phải kể đến siêu thị Fivimart trên đường Trần Quang Khải. Cụ thể, từ 10/4 - 5/5, các mặt hàng tại đây đều có mức giảm từ 5-20%, mạnh nhất là nhóm hàng thực phẩm.
Hệ thống siêu thị Intimex cũng tích cực phối hợp với hàng trăm nhà sản xuất, cung cấp thực hiện chương trình "Tưng bừng khuyến mãi" mà điểm nhấn là tặng kèm hàng, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm từ 5-10%, chủ yếu là đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm.
Citimart cũng giảm giá từ 10%-20% cho 1.000 mặt hàng tại các siêu thị trên hệ thống.
Trung thành với khẩu hiệu “Giá rẻ cho mọi nhà”, trong 2 tuần liền, bắt đầu từ ngày 22/4, hàng chục mẫu quần áo hè của các doanh nghiệp trong nước tại BigC Thăng Long sẽ có mức giảm giá từ 25-49%, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây cũng sẽ giảm từ 5-10%, hàng gia dụng có mức giảm giá từ 10-50%.
Đáng chú ý, hàng tủ lạnh, máy giặt, ngoài việc được giảm giá từ 10-15%, BigC Thăng Long còn có chính sách “Đổi hàng cũ hỏng lấy hàng mới”.
“Siêu thị sẽ hỗ trợ người tiêu dùng có nhu cầu sắm máy mới thuộc các hãng như Samsung, Toshiba… bằng cách mua lại những mặt hàng đã cũ, hỏng của họ với mức giá hỗ trợ (khoảng 400-500.000 đồng)” – ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng giám đốc đơn vị này cho biết.
Có vẻ như chưa năm nào các hệ thống siêu thị lớn lại tập trung vào việc giảm giá sâu rộng các mặt hàng như hiện nay.
Đại diện các hệ thống siêu thị chung quan điểm, “đánh” thẳng vào giá sản phẩm dù mới nghe có vẻ không ấn tượng bằng các chương trình mà giải thưởng là máy giặt, tivi, máy xay sinh tố như các năm trước, nhưng với mục tiêu “kích cầu” thì cách làm này lại rất thiết thực với người tiêu dùng và đến được với hầu hết khách hàng.
Giảm lợi nhuận để tăng doanh số
Dự kiến doanh số sẽ tăng trung bình từ 25-30%, thậm chí có nơi còn kỳ vọng lên tới 100% so với ngày thường, cho đến nay lượng hàng hóa cung cấp trong 4 ngày nghỉ lễ đã được các siêu thị chuẩn bị hoàn tất.
Tuy nhiên, trước sức mua của thị trường khá trầm lắng như hiện nay, đại diện các siêu thị đều cho rằng, doanh số có thể tăng lên so với ngày thường nhưng lợi nhuận của họ so với cùng kỳ năm ngoái chắc chắn không thể bằng.
“Lợi nhuận rõ ràng mỗi ngày một giảm vì chi phí các loại như điện nước, mặt bằng, lương nhân công từ năm ngoái đến nay đều tăng, trong khi sức mua vẫn như vậy, tỷ lệ chiết khấu trên sản phẩm không hề thay đổi” – bà Vũ Thị Hậu, lãnh đạo hệ thống Fivimart chia sẻ.
Cũng thừa nhận tình hình này nhưng Phó Tổng giám đốc BigC Thăng Long, ông Nguyễn Thái Dũng lại có cách lý giải khác.
Theo ông, thị trường càng trầm lắng, nhà kinh doanh càng phải tổ chức các chương trình hấp dẫn để khuyến khích người dân đến mua sắm. Và càng khuyến mãi, giảm giá nhiều thì đương nhiên lợi nhuận càng giảm.
Khó có câu trả lời nào tuyệt đối cho mối tương quan giữa lợi nhuận và doanh số hiện nay. Trước mắt, tiếp tục tiết giảm các chi phí không cần thiết, đồng thời tăng cường gắn kết, thương thảo với các nhà sản xuất, cung cấp để đưa đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng là hai việc làm tích cực mà lãnh đạo nhiều siêu thị tại Hà Nội xác định.