Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không nên ‘quay lưng’ với thịt lợn
29 | 04 | 2009
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên hoang mang, quay lưng với các thực phẩm từ lợn.

Nếu có nguy cơ sẽ cấm nhập thịt lợn

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và chú ý diễn tiến tình hình dịch bệnh từ lợn.

Bộ trưởng Phát cho biết, hiện chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định virus lây qua các thực phẩm từ lợn nên chưa áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu các loại thực phẩm này. “Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập vào vẫn theo như quy trình hiện tại. Nếu có nguy cơ lây bệnh thì dù là một cân thịt cũng sẽ cấm nhập khẩu” – Bộ trưởng Phát khẳng định.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, quay lưng với các thực phẩm từ lợn và tuân thủ chặt chẽ quy trình chế biến thực phẩm.

Đối với ngành chăn nuôi, một trong những biện pháp quan trọng lúc này, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục phó Cục Chăn nuôi là các địa phương phải chủ động và quyết liệt trong việc phát hiện mầm bệnh. Khi người dân phát hiện lợn có dấu hiệu bệnh lạ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng.

Lợn bị cúm có thể khỏi sau 5-7 ngày

Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, bệnh cúm trên đàn lợn thời gian nung bệnh từ 1-3 ngày và lan nhanh trong đàn trong cùng một thời điểm, Lợn mẫn cảm có thể đột ngột phát bệnh với các dấu hiệu: ho, sổ mũi, chảy nhiều nước mũi, khó thở, sốt 40,5-41,70C, mệt mỏi, bỏ ăn, lợn con nằm co cụm một chỗ, da mẩn đỏ.

Ông Năm cho hay, nếu lợn bệnh không bị các loại mầm bệnh kế phát khác tấn công và được chăm sóc tốt có thể hồi phục bình thường sau 5-7 ngày, còn nếu có mầm bệnh kế phát khác làm bệnh cúm trầm trọng thêm, tỷ lệ chết sẽ tăng lên.

Cục Thú y cũng khuyến cáo, khi thấy lợn có dấu hiệu trên người dân cần báo cho thú y và chính quyền địa phương, lấy mẫu gửi về các phòng xét nghiệm tại Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương tại Hà Nội và Cơ quan thú y vùng VI Tp HCM. Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Được biết, virus cúm A/H1N1 đã làm tử vong 20 người tại Mexico, virus này cũng đã xuất hiện tại các nước Mỹ, Canada, Scotland. Các nước như New Zealand, Pháp, Ixraen, Tây Ban Nha cũng ghi nhận các trường hợp nghi nhiễm chủng virus cúm lợn này sau khi họ trở về từ Mexico. Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới đã nâng mức báo động dịch lên cấp 4/6.

Trong khi đó, hôm qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã có tuyên bố của Tổng thư ký về dịch cúm lợn và khẳng định sẽ duy trì cao độ việc cảnh giác, cảnh báo về bất kỳ biến động nào và sẽ tiếp tục tăng cường khả năng đối phó vối đại dịch.

Cần hiểu cho đúng tên gọi

Ông Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương cho rằng, gọi dịch “cúm heo H1N1” hiện nay là không chính xác, chỉ là tên gọi mang tính lịch sử. Hiện thế giới chưa chứng minh được nguồn gốc gây dịch trên người này có phải có nguồn gốc từ heo hay không.

Việc gọi tên không chính xác sẽ khiến cơ quan chức năng lệch hướng trong sử dụng và phòng chống dịch bệnh; người chăn nuôi, người tiêu dùng hoang mang, lo sợ…

Ông Thành cho rằng, tên gọi đúng lúc này phải là cúm H1N1 hay cúm Bắc Mỹ. Nếu đúng như bệnh cúm H1N1 trên heo thì đã có vaccin và bệnh này không gây chết lợn. Nhưng đây là virus cúm A/H1N1 mới, gây bệnh cho người nên chưa có vaccin phòng bệnh.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường