Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thức ăn chăn nuôi tiềm ẩn nguy cơ tăng giá do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh
04 | 05 | 2009
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ tăng giá mạnh do giá nguyên liệu nhập khẩu của sản phẩm này liên tục dao động.

Tại thị trường Ấn Độ, thị trường cung cấp số 1 khô dầu đậu tương cho Việt Nam để sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá gia cầm sống ở mức cao khiến nguồn cung xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước này giảm do được giữ lại để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong nước. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá khô dầu đậu tương tại thị trường này rất cao, chênh lệch tới 20 USD/tấn so với các thị trường khác. Còn Chính phủ Áchentina, nước cung cấp khô dầu đầu tương nhiều thứ hai cho Việt Nam lại đang có chính sách đánh thuế suất tới 25% với mặt hàng này, làm giá đội lên khá cao.

Trong hơn một tháng qua, giá mặt hàng này đã dao động liên tục từ 370 USD/tấn tới 430 USD/ tấn. Nếu ở thời điểm giữa tháng 2, khô dầu đậu tương có giá 430 USD/tấn thì đến giữa tháng 3 giảm xuống còn 380 USD/tấn rồi đến tháng 4 lại tăng vọt lên 420 USD/tấn. Trong khi đó, giá trị nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng giá trị nguyên liệu được đưa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bộ NN-PTNT cho rằng, nếu trong thời gian tới, giá gia cầm ở Ấn Độ tiếp tục ở mức cao sẽ tác động xấu đến thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước, do khô dầu đậu tương đang tiềm ẩn nguy cơ tăng giá cao.

Theo dự báo, niên vụ 2008/2009, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 2.550 nghìn tấn bột đậu tương (tăng so với 2.400 nghìn tấn năm 2007/2008), 80 nghìn tấn dầu đậu tương (tăng so với 75 nghìn tấn năm 2007/2008) và 120 nghìn tấn hạt đậu tương (tăng so với 110 nghìn tấn năm 2007/2008.
Không chỉ có giá thức ăn chăn nuôi “rậm rịch” tăng, ngay cả lương thực – thực phẩm cũng đang trong xu hướng tăng giá. Giá lúa gạo, bao gồm cả các loại gạo thường như Ỉ50404 và OM 567 (Hàm Trâu) cũng tiềm ẩn nguy cơ này. Hiện tại giá các loại gạo thương này ở mức 4.000 -4.500 đồng/kg. Giá trung bình hai loại lúa thường này chỉ thấp hơn 200-400 đồng/kg so với các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao. Lúa gạo IR 50404 vẫn được giá do các doanh nghiệp thu mua loại gạo này làm nguyên liệu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu gạo 25% tấm trong thời gian vừa qua.

Thêm vào đó, trong vụ đông xuân này nông dân chuyển sang trồng lúa thơm nhiều khiến nguồn cung lúa thường giảm mạnh. Giá lúa trong xu hướng tăng là do các doanh nghiệp đang tích cực thu mua phục vụ cho các hợp đồng giao hàng trong 6 tháng đầu năm với khối lượng khá lớn (hơn 3 triệu tấn) và chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ giao hai Tổng công ty lương thực mua hết lượng lúa gạo trong dân, đảm bảo mức lãi tối thiếu 30% cho nông dân.

Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm đang phải chịu sức ép tăng giá từ nhiều phía. Do giá nguyên liệu thức ăn tăng cùng với việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm thời gian qua, cùng với việc tăng giá xăng lên 12.000 đồng/lít khiến chi phí vận chuyển tăng… đã làm cho thị trường bán lẻ có dấu hiệu tăng cao. Thịt lợn tại các chợ đều bị đẩy giá thêm bình quân 5.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg... Thịt gà công nghiệp, gia cầm khác cũng tăng giá thêm từ 15-20% so với mức giá cũ. Mức giá này được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao vào dịp lễ 30-4 và 1-5 tới.

Ngoài ra, một số nguyên liệu sản xuất như hóa chất, nguyên liệu sản xuất chất tẩy rửa, sản xuất hàng nhựa… đã tăng giá khoảng 2 – 3%. Chẳng hạn, những chất hoạt động bề mặt để sản xuất xà phòng từ 1.200 USD tăng lên 1.250 USD/tấn, một số loại dung môi tăng 30 USD/tấn… Hiện một số nhà cung cấp hoá chất từ nước ngoài đã gửi thư thông báo đến một số doanh nghiệp ở Việt Nam, là giá có chiều hướng tăng thêm khoảng 3 – 5% trong tháng 5 tới. Điều này cũng đồng nghĩa trong tháng tới sẽ có một số mặt hàng nói trên tăng giá bán lẻ trên thị trường. 



Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường