Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông, lâm, ngư nghiệp đã “cứu” nền kinh tế
06 | 05 | 2009
“Những dấu hiệu kinh tế phục hồi ngày càng rõ và toàn diện hơn”, đó là đánh giá chung của các thành viên chính phủ tại phiên họp thường kỳ trong hai ngày 4 và 5.5

Theo thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Trương Văn Đoan, tại phiên họp của Chính phủ, dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế được thể hiện rõ qua các chỉ số cơ bản như: giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 5,4% (đạt khoảng 55,47 ngàn tỉ đồng) so với cùng kỳ năm trước; mức tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ đã gia tăng mạnh trong tháng 4. Điểm sáng nhất của nền kinh tế chính là sự tăng trưởng của lĩnh vực nông, lâm nghiệp cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Theo ông Đoan, bốn tháng, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng 3,6 triệu tấn gạo, gần hết chỉ tiêu xuất khẩu của năm. Sản lượng thuỷ sản tháng 4 tăng hơn 4,8 % so với cùng kỳ, đạt khoảng 360 ngàn tấn. Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ tháng 4 ước đạt 90,1 ngàn tỉ đồng, tăng 1,8% so với tháng 3; tính chung bốn tháng đạt 360 ngàn tỉ đồng, tăng 21,4%… “Nếu tính ra tiền thì tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ đã tương đương với kim ngạch xuất khẩu của bốn tháng. Đây là con số rất đáng mừng”, ông Đoan nói. Về du lịch, mặc dù tính chung cả bốn tháng, lượng khách giảm tới 17,8% nhưng đến tháng 4, lượng khách đã tăng 0,6% so với tháng 3. Đáng chú ý là khách du lịch đến từ một số nước tăng: Úc tăng 31,1%, Thái Lan tăng 17,7%, Đài Loan tăng 7,6%…

Xuất nhập khẩu tháng 4 đạt 4,5 tỉ USD, giảm 15,3% so với tháng trước trong khi kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 5,2 tỉ USD, tăng 3,1% so với tháng 3. Xuất siêu bốn tháng khoảng 801 triệu USD, bằng 4,3% kim ngạch xuất khẩu trong khi cùng kỳ bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu.

Một con số đáng chú ý khác là tổng vốn cho đầu tư phát triển tháng 4 ước đạt 31,5 ngàn tỉ đồng, bằng 27,9% kế hoạch, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 28,8 ngàn tỉ đồng. Vốn FDI thực hiện bốn tháng đầu năm đạt 2,2 tỉ USD, bằng 69,8% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng kết luận mặc dù nền kinh tế tháng 4 chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, thị trường chứng khoán tốt hơn… nhưng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải chú ý theo dõi để có chính sách kịp thời hơn. Kết quả kiểm tra của các đoàn công tác do 20 bộ trưởng tại các địa phương cho thấy, một số chính sách về kích cầu theo nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ còn chưa tới địa phương. Theo Thủ tướng, mặc dù các gói kích cầu đã phát huy tác dụng, nhưng một số chính sách còn triển khai chậm như nguồn vốn cho đầu tư, xây dựng. “Thủ tướng đã yêu cầu các bộ tập trung đẩy nhanh hơn việc giải ngân các nguồn vốn kích cầu, mở ra các chương trình mới để nền kinh tế tăng trưởng tốt từ nay đến cuối năm; theo dõi chặt các vấn đề tỷ giá, cán cân thanh toán; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các chính sách xã hội khác như nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho người có thu nhập thấp…”, ông Phúc nói.

Tại phiên họp thường kỳ lần này, các thành viên chính phủ đã thảo luận về đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo ông Đàm Hữu Đắc, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội, đề án này sẽ triển khai với các phương thức đào tạo chính quy, lưu động tại các làng, xã, thôn bản, tại các nơi sản xuất: vườn ao, trang trại, các vùng chuyên canh… cho đông đảo lao động các vùng nông thôn với sự tham gia của các cơ sở đào tạo thuộc các bộ, ngành, địa phương, các trường tư thục, các tổ chức xã hội… “Đề án cũng triển khai dạy nghề phi nông nghiệp về kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ y tế, du lịch, tiểu thủ công nghiệp... ở các cấp trình độ. Ngoài ra, còn có tiểu đề án về đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ, công chức cấp xã”, ông Đắc cho biết. Theo đề án, bình quân hàng năm, Nhà nước sẽ đào tạo cho khoảng một triệu lao động nông thôn và 100 ngàn cán bộ, công chức cấp xã. Tổng kinh phí của chương trình lên tới 32,679 ngàn tỉ đồng trong đó riêng cho dạy nghề lao động nông thôn là 31,153 ngàn tỉ đồng, giao cho nhiều bộ, ngành thực hiện trong đó các bộ: Lao động – thương binh và xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn giữ vai trò chính…



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường