Trung bình 1ha điều có 5 tấn trái. Nếu chưng cất được toàn bộ trái điều này sẽ có được trên 440kg cồn khô. Với giá cồn hiện nay trên 20.000 đồng/kg, người nông dân trồng điều có thêm thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ha. Hiện Trung tâm Khuyến công kết hợp với Phòng Công thương huyện tiếp tục hoàn thiện công nghệ chế biến cồn khô và liên hệ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Cách chưng cất cồn khô từ trái điều khá đơn giản: Trái điều sau khi tách lấy hạt được đem rửa sạch để ráo nước và được vắt hoặc ép để lấy nước điều, sau đó cho dung dịch gelantine vào nước ép điều (với liều lượng 2 gam/lít) rồi đun sôi và lọc để lấy dịch điều, sau đó cho thêm men vào dịch điều để 5 ngày sau thì chưng cất 2 lần sẽ thu được cồn 80-85 độ. Cuối cùng là bỏ thêm chất phụ gia vào thành cồn khô.
Chi phí để sản xuất được 11kg cồn khô từ 150kg trái điều chỉ mất khoảng 25.000 đồng, so với giá thị trường hiện nay trên 20.000 đồng/kg cồn khô thì nông dân thu lãi khá cao. Chính vì vậy, sản xuất cồn khô từ trái điều sẽ mở ra cho người nông dân trồng điều ở Tân Phú cơ hội mới để tăng thêm thu nhập.
Cồn khô làm từ trái điều hiện nay là mặt hàng rất được ưa chuộng dùng để đun ở các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hơn hẳn so với bếp gas hoặc bếp điện trước đây.
Tân Phú có trên 5.000ha điều, chiếm khoảng 40% diện tích cây công nghiệp trong huyện. Mô hình sản suất ra cồn điều khô đã giúp nông dân có thêm nguồi thu mới từ trái điều. Trái điều được chưng cất thành cồn khô không chỉ có lợi về kinh tế mà còn giải quyết được ô nhiễm môi trường, tránh tình trạng trái điều vứt bỏ quanh vườn, tạo ra mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường.
Đây là kết quả bước đầu của việc chuyển giao công nghệ chế biến cồn khô từ trái điều của Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh cho bà con nông dân huyện Tân Phú thông qua Trung tâm Khuyến công tỉnh Đồng Nai.