Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo lại lỗi nhịp bạc tỉ!
15 | 05 | 2009
Gạo đang được giá, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lấy lý do an ninh lương thực và cân đối nguồn, không cho ký tiếp hợp đồng mới. Đến khi các nước tháo kho, gạo ứ hự, tụt giá, VFA vội vã cho DN ký tiếp mà "quên" lý do an ninh lương thực, trong khi khách hàng lại "hờ hững".

Thế là DN và nông dân lại lỗi nhịp, mất đi cơ hội thu lời bạc tỉ...

Được giá thì cấm, mất giá cho xuất...

Từ cuối tháng 4.2009, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - công bố sẽ giải phóng 3,8 triệu tấn gạo tồn kho để tiếp tục mua vào trong vụ mùa tới. Ấn Độ chuẩn bị tung ra bán khoảng 1 triệu tấn. Khách hàng tận dụng nguồn cung dồi dào này giảm giá, thậm chí chưa muốn mua vào. Tất cả các yếu tố trên đã làm giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam tụt giảm.

Theo các DN,  hiện khách nước ngoài chỉ trả giá khoảng 380-410USD/tấn tuỳ từng loại - giảm 20-40USD/tấn so với hồi giữa tháng tư. Giá lúa, gạo nguyên liệu trong nước cũng bởi thế tụt giảm trung bình từ 500- 600đồng/kg.

Điều oái oăm, nhè đúng thời điểm các nước "tháo kho" giá gạo tụt giảm, khách hàng o ép giá, VFA lại ra văn bản gửi các DN xuất khẩu gạo cho phép ký hợp đồng xuất mới, với thông báo: Hiệp hội tiếp tục cho đăng ký hợp đồng cho số lượng đã ký kết, nhưng chưa đăng ký giao hàng trong 6 tháng đầu năm còn tồn đọng.

Cung cách điều hành này đã khiến hàng loạt DN cung ứng, chế biến và xuất khẩu gạo bức xúc.

Theo phản ánh của các DN, lượng gạo tồn nhiều như trên là bởi lúc giá xuất khẩu đang cao, có thời điểm gạo 5% tấm lên 460USD/tấn, DN mua vào nhưng lại không được ký hợp đồng xuất khẩu, thì "dính" ngay lệnh ngừng đăng ký hợp đồng có thời hạn giao hàng trong 6 tháng đầu năm hồi tháng 2. Còn bây giờ, khi VFA cho DN được giao dịch lại, thì với giá thấp như hiện nay, lại trong bối cảnh cung vượt cầu, nếu ký với giá này, DN không chỉ nắm chắc phần lỗ, mà còn dễ bị khách làm o ép hạ giá xuống nữa.

"VFA lại lần nữa khiến DN và nông dân lỡ mất cơ hội thu bạc tỉ! Mà hơn thế nữa, dù giá lúa gạo nguyên liệu trong nước đang thấp nhưng với tình cảnh cung vượt cầu hiện nay, ngay cả DN chúng tôi cũng chả dại thu mua. Thế nên người cuối cùng gánh khổ lại là nông dân - những người làm ra hạt lúa, hạt gạo" - ông Trần Bảo Toàn (GĐ DNTN Thanh Lịch- Đồng Tháp) bức xúc!

Với thâm niên hơn 15 năm bám sát ngành chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam, là GĐ Cty mỗi năm cung ứng khoảng 800.000 tấn gạo cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, ông Phạm Vỹ Bền - GĐ Cty CP Tháp Sơn (Đồng Tháp) - khẳng định: "Hơn 15 năm qua, đây là lần thứ ba DN và nông dân bị tổn thất lớn khi cơ hội bán lúa gạo giá cao không còn. Lần thứ nhất xảy ra năm 1998 do hiện tượng El Nino, nhiều nước như Philippines, Indonesia, Trung Quốc mất mùa gây nên cơn sốt gạo, nhưng ta lại ngừng xuất. Khi dỡ bỏ lệnh ngừng, thì giá đã tụt. Năm 2008 cũng xảy ra tương tự, DN và nông dân đã lỡ mất hàng trăm triệu USD. Và năm nay lại... theo vết xe đổ!".

DN mất niềm tin vào VFA

Tháng 2.2009, khi thông báo ngừng ký mới hợp đồng, VFA  lấy lý do là để đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) vì lượng gạo XK đã ký là trên 3,6 triệu tấn vượt quá khả năng cung ứng của sản xuất trong nước. Thế nhưng, tại văn bản cho DN ký mới, giao dịch lại ngày 4.5.2009, VFA lại không đả động đến vấn đề ANLT. Điều này khiến nhiều DN nghi ngờ có dấu hiệu thao túng thị trường lúa gạo, bởi Chủ tịch VFA - ông Trương Thanh Phong, lại là Tổng GĐ Tổng Cty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2).

"Lúa gạo chứ không phải nguyên liệu hoá thạch, với khoa học kỹ thuật hiện nay, chỉ sau 3 tháng gieo trồng, chúng ta đã có vụ mùa mới. ANLT là điều quan trọng, song cần được xử lý linh hoạt để chúng ta không bị thiệt" - một DN bức xúc.

Phóng viên chất vấn: Việc điều hành thị trường lúa gạo có tổ điều hành của Chính phủ  chứ không phải  VFA quyết định. Việc ngừng hay ký mới còn phụ thuộc vào dự báo sản lượng của Bộ NNPTNT. Năm 2008, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội liên quan đến dự báo sai dẫn tới ngừng xuất khẩu, trong lúc giá cao khiến DN và nông dân mất đi cơ hội thu lợi bạc tỉ.

Một DN xin giấu tên lắc đầu: "Năm 2008, lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ đề nghị của VFA! Trong ngành với nhau, chúng tôi hiểu rõ mà" (?).

Có lẽ, để củng cố lại niềm tin của DN, nông dân, giải toả cho VFA, Cty liên quan, cần thanh - kiểm tra việc điều hành ký kết xuất khẩu gạo của VFA.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường