Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Coi chừng lạm phát
22 | 05 | 2009
Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, vật liệu xây dựng… thiết yếu đồng loạt âm thầm tăng giá trong những ngày qua đang làm không ít người lo ngại lạm phát trở lại.

CPI cả nước hai tháng 4-5 tăng nhẹ được xem là một trong những dấu hiệu tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thiết yếu tại TPHCM tăng 15-17 phần trăm với lý do muôn thuở: Lương và đầu vào tăng, chi phí cao.

Đây quả là tín hiệu đáng ngại. Vàng hay chứng khoán nhảy vọt, với nhiều người, có thể chỉ để cho biết, bàn lúc trà dư tửu hậu. Nhưng rau muống tăng 1.000 đồng/bó, ký cà chua nhích 2.000 đồng/kg dễ làm nhiều người liên tưởng đến thời điểm sốt giá giữa năm 2008.

Lãi suất huy động của nhiều NH đua nhau tăng càng phụ họa cho viễn cảnh giá cả có nguy cơ tăng cao thời gian tới. Đầu tháng này, nhiều nhà kinh tế cảnh báo cần canh chừng lạm phát trở lại.

TS Phạm Đỗ Chí, PGĐ điều hành VinaCapital nhận định cảnh báo phải luôn đề phòng sự quay lại của lạm phát khi nền kinh tế hồi phục. Còn ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa & Nhỏ, thì khuyến cáo: “Kích cầu lớn, lạm phát sẽ tái xuất, cần phải xem chừng”.

Đáng lo hơn là nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay mang tính toàn cầu, dai dẳng và những giải pháp của ta nặng về tình thế nhằm đối phó những vấn đề mới nổi lên, trong khi xem nhẹ giải pháp cho những vấn đề dài hạn như lạm phát.

Còn quá sớm để khẳng định lạm phát có thực sự trở lại hay không nhưng cũng không quá muộn khi cần sớm nghĩ ngay những biện pháp ngăn giá cả hàng hóa thiết yếu tăng mạnh ít ngày qua. Có thể giá tăng hiện nay chỉ là lạm phát thời vụ nhưng, trong mắt người tiêu dùng, khi nào bị đánh thẳng túi tiền, móc nhanh hầu bao thì lúc đó lạm phát đã manh nha xuất hiện.

Cả nước đang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế và đó đang được xem là nhiệm vụ số một. Nhưng nỗ lực đó sẽ phần nào bị sứt mẻ nếu dân phải trả nhiều hơn cho những hàng hóa, dịch vụ mà lẽ ra phải rẻ hơn trong tình hình hiện tại.

Chứng khoán đang đẻ ra tiền, NH giải ngân nhiều hơn cho tiêu dùng, nhà đất, gói kích cầu hàng trăm ngàn tỷ đồng ngày càng đến nhiều hơn với DN, thị trường… được xem là tín hiệu sáng sủa vực dậy nền kinh tế. Nhưng nếu không kiểm soát tốt hay để tiền chảy sai chỗ, tiêu nhiều cho mua sắm, nhà cửa, xe cộ hơn sản xuất, kinh doanh, đầu tư thì lạm phát sẽ lớn dần và gây tác hại không kém suy giảm kinh tế như vừa qua.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường