Thậm chí, đã có ý kiến mua loại gạo này để chế biến thành... thức ăn chăn nuôi, bởi để lâu sẽ hư hỏng. Năm nay, "vết xe đổ" đó đang có chiều hướng lặp lại...
Nhiều doanh nghiệp chê IR 50404
Bộ NNPTNT vừa cử 3 đoàn đi các tỉnh ĐBSCL để kiểm tra tình hình sản xuất lúa hè thu, đặc biệt là tình trạng sử dụng giống lúa IR 50404. Báo cáo tại cuộc họp mới đây ở TPHCM, Bộ NNPTNT cho biết, trên toàn vùng ĐBSCL, tỉ lệ sử dụng giống IR 50404 trên diện tích vụ hè thu đã xuống giống khoảng 210.000ha, cao hơn 3% so với chỉ đạo tỉ lệ và cơ cấu giống của bộ.
Nhiều tỉnh trọng điểm lúa gạo có tỉ lệ gieo trồng giống IR 50404 khá cao: Đồng Tháp 32,24%; Tiền Giang 28%, Kiên Giang 25%. Thậm chí nhiều nơi như Ô Môn (Cần Thơ), giống IR 50404 chiếm tới 73%; Đức Huệ (Long An) 50%; Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang) cùng trên 40%...
Nhưng tỉ lệ đó vẫn chưa phải chấm dứt. Theo Bộ NNPTNT, nếu tính cả vụ thu đông và vụ mùa, ĐBSCL còn khoảng 1 triệu hécta cần phải xuống giống trong vài tháng tới, nếu các địa phương không có chỉ đạo quyết liệt, dễ dẫn tới nguy cơ ế đọng giống lúa này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (PGĐ Sở NNPTNT Đồng Tháp) cho hay, một số Cty ở tỉnh này đã hạn chế mua gạo IR 50404, vì cho rằng thị trường tiêu thụ loại gạo này trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Kết quả khảo sát mới đây của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng chung nhận định, giá lúa IR 50404 ở ĐBSCL đã giảm mạnh từ 300-400 đồng/kg so với tuần trước đó. Lượng lúa IR 50404 được thu mua cũng đồng loạt giảm không chỉ ở Đồng Tháp, mà cả Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang.
Tại dân, tại bộ, hay tại cơ chế?
Điều đáng nói, từ sau năm 2008, khi xảy ra vụ tồn đọng gạo giống lúa IR 50404, Bộ NNPTNT cũng có những yêu cầu khá quyết liệt khi đề nghị UBND các tỉnh, TP vùng ĐBSCL có chỉ đạo để không tăng thêm diện tích gieo sạ giống lúa IR 50404 trong vụ hè thu 2009. Cơ quan chức năng địa phương cũng liên tục khuyến cáo nông dân về cơ cấu giống lúa... Tuy nhiên với thực trạng trên, cho thấy những chỉ đạo và khuyến cáo chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, nguyên nhân vẫn là gieo trồng vượt quá mức giống lúa IR 50404 do sự chỉ đạo chưa tốt ở nhiều địa phương. Nhưng theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, lỗi tại sức mua các loại lúa chất lượng cao chậm, giá bán lại chênh lệch không nhiều so với IR 50404. Nên mặc dù tỉnh đã khuyến cáo, nông dân vẫn sản xuất theo nhu cầu thị trường. Cục Trồng trọt qua chuyến khảo sát, cũng phải thừa nhận, thực trạng ở ĐBSCL, khi thương lái bảo cứ trồng lúa IR50404, thương lái sẽ mua, thế là nông dân đua nhau trồng.
Liên quan vấn đề trên, sau bài học năm 2008, GS Võ Tòng Xuân từng thẳng thắn, rằng bản chất của việc tồn đọng giống lúa IR 50404, bởi do cung - cầu chưa liên kết với nhau, khi không một Cty xuất khẩu gạo nào ký hợp đồng với nông dân. Từ các TCty lương thực đến các Cty lương thực tỉnh, thành, chẳng đơn vị nào bảo nông dân phải trồng giống gì.
Trước tình thế đó, nông dân phải tự lo. Khi giống IR 50404 có thể cho năng suất 7-8 tấn, nhưng khi bán ra thì giá không thấp hơn jasmine, nhiều DN vẫn thu mua xuất khẩu; trong khi jasmine khó trồng, chi phí đầu tư rất cao, nhưng năng suất tối đa chỉ 5 tấn thì việc nông dân chọn giống lúa cho năng suất cao nhất với chi phí thấp nhất là điều dễ hiểu.