Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chặn nguy cơ vốn kích cầu chảy vào… đầu cơ
28 | 05 | 2009
Trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 27/5, nhiều ĐB tiếp tục đưa ra những ý kiến thuyết phục về việc chưa đầu tư xứng đáng cho nông nghiệp- nông thôn- nông dân, trong khi những chiếc “cối xay tiền” là tập đoàn, TCty nhà nước lại được “bơm” quá nhiều vốn.

Nói về việc tiêu tiền và hiệu quả hoạt động của các DNNN, ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) bức xúc: Cử tri rất muốn Chính phủ có báo cáo đầy đủ về đầu tư cho các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và hiệu quả hoạt động của nó. Liệu tiền thuế của dân đóng góp “bơm” vào đó có được sử dụng tốt không? Tôi biết, vừa qua Chính phủ đã có kiểm tra một số dự án, một số tập đoàn, TCty Nhà nước nhưng kết luận vẫn chưa được công bố rõ ràng, công khai.

Coi chừng dòng vốn chúng ta “bơm” ra từ ngân sách và tín dụng ngân hàng không chảy vào đầu tư mà chảy vào đầu cơ. (ĐB Trần Du Lịch- TPHCM)

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) còn bức xúc hơn: Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2007 cho thấy DNNN không đạt kế hoạch, trong khi tất cả các khối khác đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Khối DNNN nắm giữ trên 1 triệu ngàn tỉ đồng nhưng hiệu quả lại thấp. Một số tập đoàn kinh tế đầu tư tràn lan, điều hành kém. Việc giảm giá xăng dầu nhỏ giọt, rồi đến Tập đoàn Điện lực xin trích 1.000 tỉ đồng thưởng cho CBCNV. Tất cả những vấn đề đó cử tri bức xúc, cần phải được làm rõ. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, kinh tế Nhà nước cần phải được chấn chỉnh trong việc đầu tư ngoài nhiệm vụ chính, kiểm soát chặt chẽ hơn việc đầu tư ngoài ngành.

Trong khi đó, đa số ĐB vẫn tiếp tục lên tiếng về việc đầu tư cả dài hạn và ngắn hạn cho nông nghiệp- nông thôn- nông dân chưa xứng tầm. Theo đó, đề nghị Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực này. ĐB Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) cho rằng, hàng năm Chính phủ thường bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng ngân sách “giải quyết” hậu quả của dịch bệnh, lũ lụt…gây thiệt hại cho nông dân, trong khi đó một kênh có thể bù đắp thiệt hại cho nông dân là bảo hiểm nông nghiệp lại bỏ trống.

Về vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân trong hoạch định chính sách và trong chỉ đạo cần sử dụng nhiều nguồn lực, áp dụng đồng bộ các giải pháp với yêu cầu đi nhanh, đi sớm, lớn về qui mô, tăng về cường độ đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước. (Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên)
Chính phủ nên sử dụng một phần của gói kích cầu để hỗ trợ hộ nông dân sản xuất nông sản và các DN sản xuất kinh doanh nông, thủy sản mua nông sản cũng như DN bảo hiểm bán các sản phẩm bảo hiểm. Như vậy mới góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhiều ĐB cho rằng, việc phát hành thêm 20 ngàn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ nên dành một phần đích đáng cho nông nghiệp. ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) thì nêu, việc sử dụng khoản kích cầu này phải đảm bảo đúng thời điểm, đúng địa chỉ. Còn ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đề nghị, Chính phủ nên dành ra 3 ngàn tỉ đồng trong gói 20 ngàn tỉ đồng trái phiếu để đầu tư cho trồng rừng, bảo vệ rừng. Vì cây lâm nghiệp mang lại giá trị cao nhất (sau 8 năm thu lại 12 lần so với vốn đầu tư) ở miền núi. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) đề nghị Chính phủ phải dành một khoản đích đáng đầu tư trực tiếp cho nông dân bằng việc hỗ trợ nông dân mua BHYT.

 

Thực hiện chủ trương chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đến nay Chính phủ đã có nhiều cố gắng thể chế hóa Nghị quyết TƯ7 thành các chính sách cụ thể. Tuy nhiên, so với yêu cầu mục tiêu thì việc thể chế hóa còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chưa được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả còn thấp. (ĐB Nguyễn Hữu Nhơn - Đồng Tháp)



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường